TIN VUIFlowchart: Document: Số 
154
14/09/2008

  

 

 

 

 

 

 

 


 

NHƯ MỘT LỜI MỜI:

- Kính mời quý vị vào trang web www.tinvui.org để đọc các bài viết khác

- Mọi thư từ cộng tác góp ý và giúp đỡ xin quý vị gửi về địa chỉ E-mail :bantreconggiao@yahoo.com

- Ban biên tập Tin vui rất mong nhận được sự đón nhận của quý vị độc gỉa gần xa

- Xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành và đồng hành với quý vị trong hành trình đời sống Kitô hữu

 

MỤC LỤC

 SỐNG LỜI CHÚA..

Thập giá là thước đo sự vâng phục của Chúa Ki-tô.

TU ĐỨC..

MẸ SẦU BI.

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI.

Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI viếng thăm Pháp Quốc.

Sứ điệp chào mừng Giáo Hội Pháp.

Chương trình viếng thăm..

Thống kê về Giáo hội Công giáo tại Pháp.

Những đường hướng trong cuộc viếng thăm..

Diễn tiến cuộc viếng thăm của ĐTC Benêdictô XVI tại Pháp.

Đức Thánh Cha tiếp kiến 16 Giám Mục nước Paraguay.

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức từ biệt ĐHY Innocenti

Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm chủ tịch Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Tòa Thánh phổ biến lịch trình cho ba tháng 9, 10 và 11.

Giáo Hội Công Giáo Úc góp phần vào việc xây dựng luật liên quan đến các tổ chức từ thiện.

Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu mời cầu nguyện trước bầu cử.

“Một linh mục phải sống chết cho giáo dân như người cha trong gia đình”.

Tổng giáo phận Huế có thêm 7 tân Linh mục.

GIÁO XỨ TRUNG CHÁNH KHÁNH THÀNH NHÀ SINH HOẠT MỤC VỤ..

Đêm Hợp Xướng Truyện Kiều của nhạc sĩ Công Giáo Vũ Đình Ân.

Đêm nhạc chủ đề “Cùng Eva mới” mừng kỷ niệm 3 năm cung hiến thánh đường giáo xứ Đaminh Ba Chuông 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO..

THÁNH GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ, NIỀM VINH DỰ CỦA CHÚNG TA..

GIẢI PHÁP NÀO THẤU TÌNH, ĐẠT LÝ CHO VỤ VIỆC THÁI HÀ?.

ĐAU KHỔ KHÔNG XẤU..

Dấu Thánh giá và cô Hoa hậu.

BÀN TAY GIÊSU..

NAPOLÉON TRỞ VỀ VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRƯỚC KHI CHẾT.

Chiếc lồng đèn Trung Thu.

CÂU CHUYỆN &  SUY TƯ..

Chiếc đèn ngày ấy.

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH..

Bệnh loét dạ dày.

Con cái cần cha mẹ lắng nghe trẻ nhiều hơn nữa.

ĐỌC SÁCH..

QUÀ TẶNG..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Lễ Suy tôn Thánh Giá

PHÚC ÂM: Ga 3, 13-17

"Con Người phải bị treo lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: "Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời.

"Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ".

Đó là lời Chúa.

Thập giá là thước đo sự vâng phục của Chúa Ki-tô

Ý nghĩa của đau khổ được lồng trong hình ảnh rất quen thuộc đối với Ki-tô hữu, đó là thánh giá.  Tuy nhiên ý nghĩa nguyên thủy của Thánh giá là ý nghĩa cứu độ, theo đó Giáo Hội dành một lễ đặc biệt để ta có thể suy tôn sự cao trọng của thập giá Chúa Ki-tô.  Chính Chúa Giê-su đã cho ta thấy ý nghĩa cứu độ này khi Người phán:  “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15).  Thêm vào đó, suy niệm của thánh Phao-lô giúp ta hiểu rõ hơn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

1.  Câu truyện cứu sống trong sa mạc (bài đọc Cựu Ước – Ds 21:4b-9)

            Mặc dù dân Ít-ra-en được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và hành trình về Đất hứa, họ vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, kêu trách Người và vị lãnh đạo là ông Mô-sê về đời sống cực khổ trong sa mạc.  Để cảnh tỉnh họ, Chúa để cho rắn độc cắn nhiều người phải chết.  Sợ hãi trước cái chết, họ lại chạy đến xin ông Mô-sê khẩn cầu Chúa cứu họ.  Theo lệnh Chúa, ông làm một con rắn bằng đồng, treo lên cao ở giữa trại để bất cứ ai bị rắn cắn chỉ cần nhìn lên nó sẽ được Chúa cứu khỏi chết.

            Câu truyện lịch sử này gợi lại cho ta lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô.  Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng rồi “treo lên một cây cột.  Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.  Đã từ lâu, biểu tượng của y khoa là một con rắn được treo trên cây cột  khiến ta liên tưởng đến câu truyện ông Mô-sê treo con rắn đồng lên cột cao để chữa lành những người bị rắn độc cắn.  Con rắn và cây cột trong sa mạc chỉ là một biểu tượng giúp gợi lên lòng tin vào Chúa nơi dân Ít-ra-en.  Khi người ta nhìn lên đó và có lòng tin vào Chúa thì Người sẽ cứu họ khỏi cái chết do nọc độc của rắn lửa.  Đó là câu truyện con rắn đồng trong sa mạc.  Chúa Giê-su đã lấy câu truyện ấy để áp dụng cho chính mình.  Người dùng hình ảnh ấy để so sánh với sứ mệnh cứu độ Người sẽ hoàn tất:  “Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đởi”.

            Sau khi được Thiên Chúa tạo dựng, con người đã không vâng phục Thiên Chúa.  Họ để cho con rắn Xa-tan quỷ quyệt đánh lừa, nhả vào con người họ nọc độc của nó là tội lỗi và gây nên cái chết thể xác cũng như phần hồn (Rm 5:12; 1 Cr 15:55).  Từ đó, thế giới trở thành một sa mạc và toàn thể nhân loại đều bị nhuốm nọc độc của Xa-tan, nên phải chịu đau khổ và phải chết vĩnh viễn nếu không được cứu chữa.  Tuy nhiên Thiên Chúa có kế hoạch để cứu độ nhân loại.  Người có thể treo lên một con rắn đồng khác.  Nhưng như thế con người khó nhận ra được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.  Do đó, Người đã chọn một cách thức quả thực nhiệm mầu, là sai chính Con Một Người xuống trần gian, để Con Một Người được giương lên cao cho ai nấy nhận biết Chúa yêu thương nhân loại đến mức nào (Ga 3:16).

            Cây cột do ông Mô-sê dựng trong sa mạc chỉ để “giương cao” con rắn lên cho mọi người nhìn thấy.  Còn cây thập giá để “giương cao” Chúa Ki-tô lên mang ý nghĩa sâu xa hơn vô cùng.  Nó gắn liên với sự đau đớn và nhục nhã Chúa Ki-tô phải chịu.  Nó thay thế cho cây biết lành biết dữ trong vườn địa đàng và nảy sinh hoa quả cứu độ cho loài người.

2.  Thập giá là thước đo sự vâng phục của Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Pl 2:6-11)

            Suy niệm về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô đã đặc biệt đề cao vai trò của Chúa Ki-tô, nhất là việc Người trút bỏ vinh quang Thiên Chúa đến làm người giữa nhân loại.  Với lời lẽ của đoạn thư đã trở thành bài thánh thi của Giáo Hội sơ khai, thánh Phao-lô khai triển sự vâng phục của Chúa Ki-tô qua từng hành vi diễn tả con đường Thiên Chúa đến cứu độ nhân loại.  Trước hết là hành vi Chúa Ki-tô trút bỏ địa vị và vinh quang Thiên Chúa để xuống thế làm người.  “Sống như người trần thế”, Chúa Ki-tô đã sống đời hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa.  Mức độ vâng phục ở đây là Người “bằng lòng chịu chết”.  Tuy nhiên vẫn chưa có thể đo lường được cao độ vâng phục của Chúa Ki-tô bằng duy cái chết mà thôi.  Do đó, thánh Phao-lô đã nói thêm về cái chết ấy phải như thế nào để cho ta thấy Chúa Ki-tô đã vâng phục một cách hoàn toàn tuyệt đối.  Thời ấy, không có cái chết nào nhục nhã hơn cái chết bị đóng đinh vào thập giá, là “điều ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do-thái” (1 Cr 1:23).  Vậy mà Chúa Ki-tô đã vui lòng chịu chết với một cái chết chẳng có người Do-thái nào muốn chết như thế.  Thập giá đã xác định cái chết của Chúa Giê-su, không phải cái chết bình thường, nhưng cái chết ô nhục nhất.  Cho nên chính thập giá đã chứng tỏ sự vâng phục của Chúa Ki-tô là vâng phục tuyệt đối và có khả năng đền bù tội bất tuân của A-đam xưa.  Hơn nữa, hiệu quả của sự vâng phục tuyệt đối này cũng được minh chứng do việc Chúa Cha đã siêu tôn Đức Giê-su Ki-tô:  “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người…”

            Nếu thực sự hiểu được thập giá là mức độ đo lường sự vâng phục của Chúa Ki-tô, thì ta hãy trở về với chính mình để xét lại sự vâng phục của ta đối với Thiên Chúa.  Đời ta quả thực có quá nhiều thập giá, nhưng lấy thập giá để xét xem mình có thực sự vâng phục Chúa trong mọi sự hay không thì ít khi nào, trái lại thường là những lúc ta dễ dàng kêu trách Chúa như dân Ít-ra-en xưa.

3.  “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (bài Tin Mừng – Ga 3:13-17)

            Chúa Ki-tô đã được “giương cao” trong thế giới sa mạc này không phải chỉ như một biến cố lịch sử, nhưng như nguồn ơn cứu độ.  Thánh giá gắn liền với cuộc đời và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su, từ khi sinh ra tại Bê-lem cho đến lúc tắt thở trên đồi Sọ.  Thánh giá là điểm kết thúc cuộc Thương khó của Người, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một cuộc Tạo Dựng Mới.  “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19:30).  “Lúc khởi đầu” cuộc sáng tạo, Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước mênh mang (St 1:2).  Giờ đây, “Lúc khởi đầu” cuộc Sáng Tạo Mới, Chúa Ki-tô “trao ban Thần Khí” để sản sinh một nhân loại mới gồm những người được kêu gọi, cứu chuộc và dự phần gia nghiệp Thiên Chúa.

            Thập giá Chúa Ki-tô là dấu chỉ cứu độ.  Nhưng nhận ra Đấng cứu độ là bước ta phải tiến tới, vì nếu không, thập giá sẽ là dấu chỉ vô nghĩa giống như bao người đeo thánh giá như một món trang sức mà không biết đến ý nghĩa cứu độ.  Nói khác đi, thánh giá phải đưa ta tới Chúa Ki-tô, Đấng bị đóng đinh trên thập giá.  Mục đích của thánh giá là giúp ta tin vào Chúa Ki-tô để được sống muôn đời.  Thánh giá trở thành con đường đưa ta đến sự sống muôn đời.  Trên đường ấy, ta được Chúa Ki-tô, người Hướng đạo và đồng hành, cùng đi với ta, cùng chia sẻ khổ đau với ta.  Trên đường ấy, ta được mời gọi “trở nên đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô (Pl 3:10).  “Tin vào Người” đòi hỏi ta phải “chịu đóng đinh” với Người.  Thánh Phao-lô đã giảng giải về việc đóng đinh này.  Ngài viết cho tín hữu Ga-lát:  “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14).  Những lời này cho ta thấy hai chiều kích của đời sống Ki-tô hữu.  Thập giá Chúa Ki-tô đòi hỏi ta trước hết phải “đóng đinh thế gian vào thập giá”, nghĩa là phải bỏ đi những gì thuộc về thế gian, tội lỗi và ma quỷ.  Ngược lại, trong chiều kích tích cực, ta phải “đóng đinh chính mình” vào thập giá Chúa Ki-tô, để được kết hiệp với Chúa Ki-tô, sống theo giáo lý và gương mẫu của Người, nhất là sống trong sự vâng phục Thiên Chúa như con cái Người, trở nên tạo vật mới do ơn cứu độ Chúa Ki-tô chịu đóng đinh đem lại (Gl 6:15).

4.  Sống Lời Chúa

            Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá có lẽ là hình ảnh ta gặp thấy nhiều nhất, trong nhà thờ, trong phòng ngủ tại tư gia, trên tường, trên ngực…  Thánh giá quá quen thuộc đến độ ta dễ dàng quên mất ý nghĩa đích thực của nó là ơn cứu độ.  Giáo Hội suy tôn Thánh giá là vì muốn nhắc nhở ta hãy suy niệm ý nghĩa cao cả của nó.  Nhưng hơn thế nữa, ta được mời gọi hãy đến với Đấng đã dùng Thánh giá để cứu chuộc muôn người, hãy “cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá”, hãy “sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2:19-20). 

Suy nghĩ:  Tôi hiểu ý nghĩa của Thánh giá như thế nào?  Tôi có thường suy nghĩ về mục đích của Thánh giá là để cứu độ tôi không?  Nếu thế, tôi có cảm tạ Chúa về sức mạnh của thánh giá và thấy mình được hãnh diện chung phần thánh giá với Chúa Ki-tô không?  Những thí dụ cụ thể nào trong cuộc sống nói lên việc tôi kết hiệp với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người.  Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Suy tôn Thánh giá).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Mục lục

TU ĐỨC

 

MẸ SẦU BI

Trong tháng 9 có lễ kính Đức Mẹ sầu bi (15/9). Dịp này Hội Thánh nhắc cho chúng ta nhớ vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ, để chúng ta cũng hiểu vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta.

I. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời Đức Mẹ


Đức Mẹ phải đau khổ. Đau khổ vì con mình là Chúa Giêsu. Đau khổ vì nhân loại là đàn chiên Chúa muốn cứu chuộc.


Thực vậy, Chúa Giêsu là Tin Mừng đặc biệt cho Đức Mẹ. Nhưng Người cũng là nguyên nhân khiến Đức Mẹ phải đau đớn. Đau đớn vì cảnh nghèo nàn thiếu thốn, khi sinh con trong hang đá Bêlem. Đau đớn vì cảnh đi trốn nhọc nhằn, khi đem con lánh nạn sang Ai Cập. Đau đớn vì cảnh lạc mất con, khi từ đền thánh trở về. Đau đớn vì cảnh lao động lầm than mấy chục năm giữa xóm nghèo ở Nadarét. Đau đớn vì cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ và bị tử hình trên thánh giá ở núi Golgôta.


Những đau đớn đó phải được cắt nghĩa vì lý do cứu chuộc nhân loại. Nhân loại được Chúa đoái thương cứu chuộc. Nhiều người đã đón nhận ơn đó. Nhưng nhiều người đã từ chối ơn đó. Không những thế, họ còn xỉ vả, bắt bớ và kết án chính Đấng Cứu chuộc.


Khi thấy như thế, Đức Mẹ rất đau lòng. Mẹ nhận ra lời tiên tri Simêon xưa đã ứng nghiệm. Chúa Giêsu vừa là duyên cớ cho nhiều người được chỗi dậy, và cũng là duyên cớ cho nhiều người phải vấp ngã (x. Lc 2,34).


Đức Mẹ đã đau đớn thế nào? Tiên tri Simêon tả đau đớn đó bằng một câu rất tượng hình: "Còn chính Bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà" (Lc 2,35).


Khi trái tim bị gươm vật chất đâm thâu, người ta cảm thấy đau đớn như phải chết dữ dằn. Khi tâm hồn bị gươm vô hình đâm thâu, người ta cảm thấy đau khổ cũng như một thứ chết khốn cực.


Để có một cái nhìn đúng đắn về đau khổ nơi Đức Mẹ, chúng ta nên nhớ mấy điều sau đây:


a) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói sâu thẳm của tình yêu


Tâm hồn nào càng mến Chúa nhiều, càng cảm thấy đau nhiều, khi thấy tình yêu Chúa bị xúc phạm. Tâm hồn nào càng yêu người nhiều, càng cảm thấy khổ nhiều, khi thấy người khác rơi vào cõi khổ.


Đức Mẹ mến Chúa hết tâm hồn, và yêu thương nhân loại hết lòng. Nên Đức Mẹ dễ nhạy cảm trước bất cứ sự gì xúc phạm đến Chúa và làm hại cho phần rỗi loài người.



Nhạy cảm, nhạy bén là đặc tính cao độ của trái tim Mẹ. Lúc đó, đau khổ nơi Mẹ sầu bi là một tiếng nói sâu thẳm nhất của tình yêu.


Được mến yêu Chúa nhờ ơn Chúa ban, Đức Mẹ cảm thấy một thế giới mới. Xưa thánh Phaolô quả quyết: "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi" (Pl 3,7-8).

Thánh Phaolô còn cảm thấy thế. Phương chi Đức Mẹ. Đức Mẹ được ơn hiểu thế nào là tình yêu thương xót Chúa, nên Đức Mẹ sẽ rất đau khổ, khi thấy tình yêu thương xót ấy bị người ta dửng dưng, xa tránh, chối từ, chống đối.


b) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người được ơn hiểu biết ý nghĩa sự tội


Sẽ là ảo tưởng, nếu nghĩ rằng học hỏi giáo lý về tội, nghiên cứu các sứ điệp về sám hối của những lần Đức Mẹ hiện ra, là sẽ hiểu biết thấu đáo ý nghĩa sự tội. Không đâu, ý nghĩa về tội sẽ chỉ hiểu được sâu sắc nhờ ơn Chúa ban, do cầu nguyện, tĩnh tâm, đổi mới tâm hồn thực sự. Thánh Gioan Baotixita xưa đã dành cả đời rao giảng về sự sám hối. Ngài nói: "Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối" (Lc 3,8). Ngài đã răn đe những ai coi thường tội lỗi. Vì Ngài hiểu biết rất rõ tội lỗi sẽ đưa con người xuống cõi khổ cực ghê gớm đời sau.


Chắc chắn Đức Mẹ còn hơn thánh Gioan Tiền Hô, nên Người phải rất đau đớn khi thấy bao người nhởn nhơ đi vào đàng tội.


c) Đau khổ của Đức Mẹ là tiếng nói của người biết sự quan trọng tuyệt đối của phần rỗi


Xưa cũng như nay, nhân loại để sự tự do lôi kéo mình vào những gì nguy hiểm cho phần rỗi. Phần rỗi không phải là một hạnh phúc trả bằng giá rẻ. Nhưng thực tế cho thấy vô số người không quan tâm đủ đến phần rỗi. Trước cảnh đó, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: "Nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16,26).

Với cái nhìn đó, Chúa Giêsu khuyên người có trách nhiệm hãy cố gắng đi tìm một con chiên lạc, hơn là quây quần với 99 con chiên ngoan (x. Mt 16,12-14).


Đức Mẹ rất hiểu thế nào là thiệt mất phần rỗi, nên Người đã rất đau khổ trước cảnh bao người không quan tâm đến phần rỗi.


Như thế, nói chung, đau khổ nơi Đức Mẹ đã giữ một vai trò hết sức quan trọng, đó là làm chứng cho tình yêu xót thương của Chúa. Đức Mẹ sầu bi vì thế sẽ là một an ủi lớn cho chúng ta, khi chính chúng ta cũng bị đau khổ trong cuộc đời.


II. Vai trò của đau khổ trong cuộc đời chúng ta


Đời là bể khổ. Riêng những người con Chúa sẽ gặp trong đời mình không thiếu nỗi đau như gươm đâm thấu tâm hồn mình.


Ở đây, tôi chi xin chia sẻ đôi chút kinh nghiệm.


Tiên vàn, chúng ta phải có một ý hướng tốt lành về những đau khổ của ta. Ý hướng tốt lành đó là muốn những đau khổ ta chịu sẽ có sức làm chứng cho tình yêu Chúa.


Để được như vậy, hằng ngày chúng ta dâng mọi thứ đau khổ của ta cho Đức Mẹ sầu bi, xin những đau khổ của Mẹ thanh luyện những đau khổ của ta. Bởi vì rất nhiều đau khổ của ta phát xuất từ tính kiêu ngạo, ghen tương, ham hố và ích kỷ muốn theo ý riêng mình.


Khi đau khổ, chúng ta dễ có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho người khác. Nên coi đó là nghịch với đức ái khiêm nhường, tự nó lại gây đau khổ cho chính mình và cho người khác. Ở đây xin phép nhắc lại ba lời khuyên của thánh Augustinô:


a) Chớ tự coi mình là quan toà xét xử kẻ khác.

 

b) Xét đoán tội người khác thì phải khiêm tốn và trọng sự thật. Rất nhiều lần ta đổ cho người khác những lỗi lầm người ta thực sự không có.


c) Nếu người ta có tội, thì cũng nên nhận người ta có thể có nhiều công phúc, công khai và âm thầm.


Để đào tạo thường xuyên trái tim ta, ta nên để ý xét mình về việc ta có chia sẻ những đau khổ đủ thứ xảy đến cho đồng bào xung quanh không? Nhất là ta có hỏi Chúa về việc Chúa cùng đau khổ với bao người. Chúa đau khổ với họ, mà ta không để ý.


Đức Mẹ sầu bi sẽ cho ta thấy: Thánh giá là duyên cớ của sự vấp ngã, nhưng cũng là căn nguyên của sự vinh quang. Mẹ sầu bi sẽ làm cho những vết thương lòng của ta trở thành dòng sông thiêng liêng chuyển ơn cứu độ đến các linh hồn.

 

+ ĐGM JB Bùi Tuần

Mục lục

 

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI viếng thăm Pháp Quốc

Sứ điệp chào mừng Giáo Hội Pháp

VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 bày tỏ niềm vui vì được hiệp với các đoàn hành hương tại Lộ Đức nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Trong sứ điệp gửi nước Pháp công bố vào cuối buổi tiếp kiến chung các tín hữu sáng 10-9-2008, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, thứ sáu này (12-9-2008), tôi sẽ thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của tôi tại Pháp trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô. Trước khi đến, tôi muốn gửi lời chào thăm nồng nhiệt đến dân tộc Pháp và mọi người dân sinh sống tại quốc gia yêu quí này. Tôi đến nơi anh chị em như một sứ giả hòa bình và huynh đệ. Đất nước của anh chị em không phải là xa lạ đối với tôi. Nhiều lần tôi đã vui mừng đến Pháp và quí chuộng truyền thống đón tiếp quảng đại và bao dung, cũng như niềm tin Kitô vững chắc và nền văn hóa cao về nhân bản và tinh thần của anh chị em. Lần này, cơ hội cho cuộc viếng thăm của tôi là kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Sau khi viếng thăm Paris, thủ đô đất nước của anh chị em, tôi sẽ được niềm vui lớn lao, hiệp với đoàn ngũ đông đảo các tín hữu hành hương theo các giai đoạn trong hành trình Kỷ Niệm, theo thánh Bernadette cho tới hang đá Massabielle.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi sẽ sốt sắng cầu nguyện dưới chân Đức Mẹ cho các ý nguyện của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là cho các bệnh nhân, những người bị bỏ rơi nhất, cũng như cho hòa bình trên thế giới. Ước gì Đức Maria trở thành cho tất cả anh chị em, đặc biệt là người trẻ, Người Mẹ luôn sẵn sàng đối với các nhu cầu của con cái, một nguồn sáng hy vọng soi chiếu và hướng dẫn bước đường của anh chị em! Các bạn Pháp thân mến, tôi mời các bạn hiệp nguyện với tôi để cuộc viếng thăm này mang lại thành quả dồi dào. Trong niềm hân hoan chờ đợi được ở nơi các bạn, tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Lộ Đức, phù hộ và bảo vệ mỗi người, gia đình và trên các cộng đồng của các bạn. Xin Chúa chúc lành cho các bạn!”.

Đây là lần đầu tiên ĐTC lên tiếng như thế trước một cuộc viếng thăm mục vụ. Người ta ghi nhận sứ điệp của ngài, đọc trước máy thu hình của Trung tâm truyền hình Vatican trong một buổi tiếp kiến chung, là câu trả lời cho nhiều đơn của báo chí Pháp xin phỏng vấn ĐTC. Trước đây, ngài đã trả lời các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông Đức và Ba Lan trước cuộc viếng thăm, nhưng sau đó ngài ngưng các cuộc trả lời phỏng vấn. Trái lại, trước cuộc viếng thăm tại Hoa Kỳ hồi tháng 4 năm nay, ngài thu một sứ điệp Video để gửi đến nhân dân Hoa Kỳ (SD 10-9-2008)

Chương trình viếng thăm

Chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 tại Pháp được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố và được Ban Tổ chức tại Pháp bổ túc chi tiết:

Sáng thứ Sáu, 12-9-2008, lúc 9 giờ, ÐTC sẽ rời Roma và đến phi trường Paris Orly sau hơn 2 giờ bay. Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường, lúc 12:30 ngài sẽ đến viếng thăm xã giao tổng thống Nicolas Sarkozy tại diện Elysée. Sau đó gặp các giới chức chính quyền.

Vào ban chiều cùng ngày, lúc 17 giờ, ÐTC sẽ tiếp phái đoàn 10 người, đại diện của Do thái giáo tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh. Tiếp đến ngài sẽ gặp gỡ 700 người giới văn hóa và tôn giáo tại Học viện Bernardins thuộc quận 5. Lúc 19:15, ngài sẽ chủ sự buổi hát Kinh Chiều với 2,800 linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và phó tế tại nhà thờ Ðức Bà Paris. Lúc 20:30, ÐTC sẽ chào giới trẻ từ thềm nhà thờ chính tòa.

Sáng thứ Bẩy, 13-9-2008, lúc 9.10 ÐTC sẽ thăm Học Viện Pháp, trước khi chủ sự thánh lễ lúc 10 giờ cho tín hữu tại Quảng trường Les Invalides. Ban tổ chức dự kiến sẽ có lối 250 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ này. Tất cả các linh mục đều được mời đồng tế thánh lễ này.

Sau đó ÐTC sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục vùng thủ đô Pháp (Ile de France) và đoàn tùy tùng tại Tòa Sứ Thần. Vào ban chiều, lúc 15:50, ÐTC rời Tòa Sứ Thần để ra sân bay Orly đi Tarbes và Lộ Ðức. Từ đây ngài sẽ đáp trực thăng về vận động trường Antoine Béguère Lộ Ðức. Lúc 19:15 ÐTC viếng hang đá Ðức Mẹ hiện ra. Và lúc 21:30, ngài chủ sự lễ nghi kết thúc cuộc rước Ðức Mẹ tại quảng trường Mân Côi.

Chúa Nhật 14-9-2008, lúc 10 giờ, ÐTC sẽ chủ sự thánh lễ kỷ niệm 150 năm Ðức Mẹ hiện ra. Ðức Cha Jacques Perrier, Giám Mục Tarbes và Lộ Ðức, cho biết sẽ có khoảng 200 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ tại đây. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục vùng Midi-Pyrénées với các Hồng Y và Giám Mục tháp tùng.

Ban chiều lúc 17:15, ÐTC gặp gỡ các Giám Mục Pháp trong phòng hội bán nguyệt thánh nữ Bernadette. Tiếp đến lúc 18:30 ngài sẽ chủ sự buổi chầu kết thúc cuộc kiệu Thánh Thể tại cánh đồng Lộ Ðức.

Thứ Hai 15-9-2008, lúc 8:45 ÐTC sẽ viếng nhà nguyện nhà thương Lộ Ðức. Sau đó lúc 9:30, ngài chủ sự thánh lễ cho các bệnh nhân tại Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Mân Côi. Lúc 12:10, ÐTC sẽ dùng trực thăng ra phi trường Tarbes-Lộ Ðức Pyrénées. Tại đây sau lễ nghi từ biệt ngài sẽ đáp máy bay về phi trường Ciampino của Roma.

Thống kê về Giáo hội Công giáo tại Pháp

 

Nhân cuộc viếng thăm của ÐTC, trong những ngày qua, Sở Thống Kê trung ương của Tòa Thánh đã công bố một vài con số về Giáo hội Công Giáo tại Pháp:

Hiện nay trong số 61 triệu 350 ngàn người tại nước này có hơn 46 triệu 420 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 75.7% dân số, thuộc 98 giáo phận, với 16,553 giáo xứ và 674 trung tâm mục vụ khác. Bình quân mỗi xứ đạo tại Pháp có gần 2,700 tín hữu.

Giáo Hội Công Giáo tại nước này có 186 Giám Mục, 21,074 linh mục, trong đó có 15,863 vị là linh mục triều và 5,211 linh mục dòng. Số phó tế vĩnh viễn là 2,100 thầy và 2,900 tu huynh với 39,500 nữ tu. Ơn gọi tại Pháp thấp chỉ có 134 tiểu chủng sinh, 1,300 đại chủng sinh.

Về mặt giáo dục, Giáo Hội Pháp đảm trách gần 10 ngàn trường trung tiểu học, và 356 trường cao đẳng, với tổng cộng hơn 2 triệu học sinh và 59 ngàn sinh viên. Ngoài ra có 94 nhà thương và 103 bệnh xá Công Giáo, 520 nhà dưỡng lão và 250 trung tâm giáo dục và phục hồi xã hội.

Những đường hướng trong cuộc viếng thăm

Tuy chủ đích tiên khởi của ÐTC trong cuộc viếng thăm lần này là để kỷ niệm 150 năm Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ Ðức, nhưng vừa nói trên, ngài dành một ngày rưỡi đầu tiên tại Paris để nói với các vị lãnh đạo chính trị, văn hóa, gặp các Linh Mục, chủng sinh, và cử hành thánh lễ cho các giáo dân.

Ðối với ÐTC, đây sẽ là một cuộc hành trình vào tận trọng tâm của một Âu Châu ngày càng xa lìa Kitô giáo, một vùng mà các Giáo Hội lớn dường như đang chết dần chết mòn. Ngài muốn khích lệ sự hồi sinh và theo chương trình viếng thăm, ngài nhiều cơ hội để thực hiện hành trình đó.

- Trước hết là các cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo dân sự và văn hóa trong ngày đầu tiên. Trong các sinh hoạt này, ÐTC có thể bảo vệ tiếng nói hợp pháp của tôn giáo trong nền văn hóa tục hóa của Âu Châu ngày nay.

- Tiếp đến, khi đích thân kỷ niệm các cuộc hiện ra của Ðức Mẹ tại Lộ Ðức, ÐTC sẽ có cơ hội gợi lại truyền thống sùng mộ tại Pháp đối với Ðức Mẹ và ngài sẽ giải thích tầm quan trọng của lòng sùng kính này ngày nay.

- Thứ ba, các hoạt động của ÐTC tại Lộ Ðức, nơi có hàng triệu bệnh nhân đến hành hương, sẽ làm nổi bật tình liên đới của Giáo Hội với người đau khổ.

3 cuộc gặp gỡ của ÐTC với các Giám Mục Pháp - gồm 2 cuộc gặp gỡ riêng với các Giám Mục miền, và một cuộc gặp gỡ các Giám Mục toàn quốc tại Lộ Ðức sẽ là cơ hội để ngài nhận định về các vấn đề và kế hoạch mục vụ..

Chẳng hạn có sự kiện này: tuy trên 75% dân Pháp là tín hữu Công Giáo, nhưng số người tham gia đời sống giáo xứ liên tục giảm sút trong vòng 50 năm gần đây, và các thống kê cho thấy số người tham dự thánh lễ hằng tuần tại Pháp không vượt quá 12%. Phần lớn tín hữu ít đi lễ hoặc không đi nhà thờ bao giờ. Con số Linh Mục giáo phận tại Pháp giảm gần 50% trong vòng 25 năm qua và ơn gọi Linh Mục tại nước này thuộc vào hàng thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ rửa tội, hôn phối và các bí tích khác cũng liên tục giảm sút.

Ðối với các vị lãnh đạo Giáo Hội, có lẽ vấn đề nhức nhối nhất là thái độ của dân Pháp. Một cuộc thăm dò hồi năm 1999 cho thấy 56% dân Pháp không tin nơi ý niệm tội lỗi, và gần 60% nói rằng các Giáo Hội không mang lại câu trả lời cho các vấn đề luân lý, 62% nói rằng họ không nhận được an ủi và sức mạnh từ tôn giáo.

ÐTC Biển Ðức 16 đã nghĩ đến các vấn đề đó ngay từ đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài. Trong các bài giảng và bài diễn văn, ngài thường nhấn mạnh rằng một cuộc sống không có đức tin thì rốt cuộc nó sẽ trống rỗng và không mang lại sự mãn nguyện, và bằng chứng là sự bất hạnh quanh chúng ta.

Trong cuộc viếng thăm tại Pháp, ÐTC cũng có thể nhấn mạnh rằng niềm tin đơn sơ, như niềm tin của thánh nữ Bernadette Soubirous, người được Ðức Mẹ hiện ra, vẫn còn là điều quan trọng trong thế kỷ 21 này.

ÐTC đã chuẩn bị các bài giảng và diễn văn của ngài trong tháng 8/2008 cho cuộc viếng thăm sắp tới tại Pháp, và các hoạt động của ngài trong những ngày qua cũng phản ánh những điều ngài có thể nói tại Pháp. Chẳng hạn, trong bài giảng lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, 15-8-2008, ÐTC đã nói về giá trị của đức tin tinh tuyền và đơn sơ trong thế giới tân tiến ngày nay. Ðặc biệt đời sống của Mẹ Maria có thể gợi hứng cho các tín hữu Kitô sống cuộc sống thường nhật hướng về các mối phúc thật. Ðối diện với những hạnh phúc giả tạo trong xã hội tân tiến, dân chúng có thể học nơi Mẹ Maria cách thức trở thành chứng nhân hy vọng và an ủi.

ÐTC vốn coi Ðền thánh Ðức Mẹ Lộ Ðức như một nơi mà Giáo Hội thi hành Tin Mừng hy vọng một cách rất cụ thể, giúp giảm bớt gánh nặng của những người đau khổ và những gia đình chăm sóc họ. Tại một Hội nghị Roma đầu năm nay, đánh dấu kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ Ðức, ÐTC nói rằng một xã hội không biết tỏ ra cảm thương với người yếu đau là một xã hội tàn ác và vô nhân đạo. Trích dẫn Thông điệp Spe Salvi về hy vọng, ÐTC cũng nói rằng các gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo có một phần tử bị bệnh tật, có nguy cơ bị chìm ngập trong những cộng đoàn chỉ theo đuổi sự sản xuất như giá trị duy nhất.

Tại Pháp, ÐTC cũng có thể nhắc xã hội về nghĩa vụ giúp làm dịu bớt nỗi cô đơn của những đau yếu và sắp chết. Ngài cảnh giác rằng sự cô lập và cô đơn ấy góp phần làm gia tăng số người chấp nhận việc làm cho chết êm dịu. Và quả thực, trong những năm gần đây có một trào lưu mạnh mẽ tại Pháp cổ võ cho phép làm cho các bệnh nhân chết êm dịu.

Trong những chuyến viếng thăm trước đây, Ðức Giáo Hoàng thường nhắc đến nêu những vấn đề rộng lớn hơn: niềm hy vọng Kitô, niềm tin như tình yêu đang hành động, cần có những sự thật luân lý và giá trị tôn giáo trong một xã hội duy vật. Một điều chắc chắn ngài sẽ nhắc nhở dân chúng tại Pháp, đó là hãy dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống của mình.

Diễn tiến cuộc viếng thăm của ĐTC Benêdictô XVI tại Pháp

PARIS -- Sáng 12-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã khởi sự cuộc viếng thăm 4 ngày, từ 12 đến 15-9-2008, tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Cuộc viếng thăm của ĐTC tuy ngắn ngủi, nhưng rất khẩn trương, với 12 bài diễn văn, 3 thánh lễ ngoài trời, và nhiều cuộc gặp gỡ với các giới, từ chính quyền, tới cộng đồng Do thái, giới văn hóa, giới trẻ, các linh mục, tu sĩ và chủng sinh.

Tháo tùng ĐTC trên chuyến bay này có 30 vị thuộc đoàn tùy tùng, đứng đầu là ĐHY Taricisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và 3 vị HY người Pháp tại Tòa Thánh. Đặc biệt có 70 ký giả quốc tế, trong đó có 18 người thuộc các cơ quan truyền thông của Pháp.

Trên máy bay, theo thông lệ, ĐTC đã dành 15 phút để gặp gỡ và trả lời 4 câu hỏi do các kỷ giả tháp tùng nêu lên liên quan đến đặc tính đời (laicité), được bàn đến nhiều tại Pháp; quan hệ giữa ĐTC với văn hóa Pháp, việc ngài cho phép cử hành thánh lễ nghi thức cũ bằng tiếng la tinh và sau cùng là cuộc hành hương của ngài tại Lộ Đức.

Sau gần 2 giờ bay, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Orly ở mạn nam Paris là phi trường lớn thứ hai của Pháp. Tuy nghi thức ngoại giao không đòi buộc nhưng Tổng thống Nicola Sarkozy và phu nhân Carla Bruni đã ra tận sân bay đón tiếp ĐTC khi ngài vừa bước xuống. Và đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Pháp ra phi trường để đón một vị quốc khách.

Sau nghi thức đón tiếp đơn sơ tại Phi trường, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, rồi từ đây đến phủ tổng thống Pháp là điện Elysée để viếng thăm tổng thống và gặp các giới chức chính quyền vào lúc gần 1 giờ trưa.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC, Tổng thống Pháp đề cao mối quan tâm của ĐTC cổ võ đối thoại giữa đức tin và văn hóa, và minh chứng hai thực tại này có thể dung hợp với nhau; Ông tái khẳng định lập trường về đặc tính đời tích cực (laicité positive), Nhà Nước và tôn giáo tích cực đối thoại với nhau. Tổng thống Pháp chia sẻ mối quan tâm của ĐTC đối với các cộng đoàn Kitô bị bách hại và gặp khó khăn.

Về phần ĐTC, trong bài đáp từ ngài nhắc đến lý do chính ngài cuộc viếng thăm của ngài là để mừng kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức.

Đề cập đến vấn đề thời sự là tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước, ĐTC nói: ”Về vấn đề quan hệ giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo, Chúa Kitô đã đề ra nguyên tắc để giải quyết đúng đắn khi ngài trả lời câu hỏi được đề ra cho Ngài: ”Hãy trả lại cho César điều gì thuộc về Cesar, và trả lại cho Thiên Chúa điều gì thuộc về Thiên Chúa” (Mc 12,17). Giáo Hội tại Pháp hiện đang được hưởng một chế độ tự do. Sự nghi kỵ trong quá khứ dần dần biến thành một cuộc đối thoại thanh thản và tích cực, ngày càng được củng cố. Một văn kiện mới về đối thoại đã có từ năm 2002 và tôi rất tin tưởng nơi công việc đối thoại này vì có thiện chía của cả hai bên. Chúng ta biết vẫn còn nhiều lãnh vực đối thoại được mở ngỏ cần phải tiến qua và dần dần làm cho trong sáng một cách quyết liệt và kiên nhẫn”.

ĐTC ghi nhận sự kiện tổng thống Sarkozy dùng ý niệm “đặc tính đời tích cực” để nói lên sự cảm thông cởi mở hơn. Ngài nói: ”Trong thời điểm lịch sử này, giữa lúc các nền văn hóa ngày càng giao nhau, tôi xác tín sâu xa rằng một sự suy tư mới về ý nghĩa đích thực và về tầm quan trọng của đặc tính đời là điều cần thiết. Thực vậy, thật là điều cơ bản khi nhấn mạnh về sự phân biệt giữa chính trị và tôn giáo để bảo đảm tự do tôn giáo của người dân cũng như trách nhiệm của Nhà Nước đối với họ, và đàng khác cần ý thức rõ ràng hơn về chức năng không thể thay thế được của tôn giáo trong việc huấn luyện lương tâm và sự đóng góp mà việc huấn luyện ấy có thể mang lại cho việc thiết lập sự đồng thuận cơ bản về luân lý trong xã hội”.

Sau cuộc gặp gỡ tổng thống và các giới chức chính quyền Pháp, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 2 cây só để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, kết thúc hoạt động đầu tiên trên đất Pháp.

 Chiều ngày
12-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ 700 người thuộc giới văn hóa của Pháp và đề cao sự tìm kiếm Thiên Chúa như nền tảng và căn cội của nền văn hóa Âu Châu.

Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc 5 giờ rưỡi chiều tại Học Viện Bernardins ở quận 5 của Paris. Học viện cổ kính này có gốc tích từ thế kỷ 13 với cuộc cách mạng trí thức tại Âu Châu. Các đại học dần dần thay thế cho các đan viện như những trung tâm trí thức của Âu châu, từ đại học Bologna bên Italia, đến Paris thủ đô Pháp, Cambridge bên Anh quốc và Heidelberg bên Đức.. Các vị Giáo Hoàng cũng cổ võ sự phổ biến kiến thức tại các thành thị. Trong ý hướng đó, ĐGH Innocenzo 4 cũng khuyến khích các Đan sĩ dòng Xitô mở một trung tâm học vấn tại Paris. Năm 1247, Viện Phụ Étienne de Lexington của Đan viện Clairvaux, đã thành lập một Học Viện như trung tâm giảng dạy thần học cho các đan sĩ của dòng, nay là Học viện Bernardins. Một trong những môn sinh của ngài sau trở thành Giáo Hoàng Benedetto 12.

Học viện này bị tịch thu trong thời các mạng Pháp, rồi lần lượt được biến thành nhà tù, nhà kho chứa đồ, trường học, trại lính cứu hỏa, trường nội trú của cảnh sát. Sau cùng được Tổng giáo phận Paris mua lại, rồi tu bổ trong vòng 5 năm qua và mới được mở lại cho công chúng ngày 4-9 vừa qua, để làm nơi triển lãm, gặp gỡ và thảo luận. Trường thần học của giáo phận Paris cũng được đặt tại đây.

Trong số các vị hiện diện tại Học viện Bernardins cũng có một số đại diện của tổ chức Unesco thuộc Liên hiệp quốc, và cộng đoàn Hồi giáo Pháp, hai vị cựu tổng thống Pháp Giscard d'Estaing và Jacques Chirac, cũng như bà Bộ trưởng Văn hóa của Pháp.

Sau lời chào mừng của ĐHY Vingt-Trois, TGM Paris và vị chưởng ấn của Liên Hàn lâm viện Pháp, ĐTC đã trình bày với mọi người về đề tài ”nguồn gốc thần học tây phương và các căn cội văn hóa Âu Châu”.

Ngài đi từ địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ là Học viện Bernadins. ĐTC ghi nhận rằng mục đích của các đan sĩ không phải là kiến tạo một nền văn hóa mới cũng chẳng phải là để bảo tồn một nền văn hóa quá khứ, nhưng là tìm kiếm Thiên Chúa. Giữa những xáo trộn của thời ấy, những xáo trộn mà dường như chẳng gì có thể kháng cự lại được, các đan sĩ chỉ mong muốn một điều quan trọng nhất, đó là nỗ lực tìm được cái gì có giá trị và trường tồn, tìm được chính Con Đường. Họ tìm kiếm Thiên Chúa.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC dần dần dẫn đến vai trò của Lời Chúa, được chứa đựng trong Kinh Thánh, các thư viện tại các Đan viện, tầm quan trọng của phụng vụ, thánh ca, hát lên Lời Chúa. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Kinh Thánh cần được giải thích, Kinh Thánh cần có cộng đoàn trong đó Kinh Thánh được hình thành và được sống thực. Kitô giáo nhận thức trong các lời của sách Thánh chính Đấng là Lời, là Logos, là Đấng biểu dương mầu nhiệm qua muôn hình dạng.

ĐTC cũng nhận rằng trong thế hệ chúng ta đang tái xuất hiện sự căng thẳng giữa hai cực: một bên là sự chủ quan hoàn toàn và bên kia là thái độ cuồng tín cực đoan. Và ngài cảnh giác rằng: ”Nếu nền văn hóa Âu Châu ngày nay hiểu tự do như sự vắng bóng mọi sự ràng buộc, thì đó thực là một điều đưa tới chết chóc và chắc chắn nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho thái độ cuồng tín và độc đoán. Sự vắng bóng mọi rằng buộc và sự độc đoán chủ quan không phải là tự do, nhưng là sự hủy hoại tự do”.

Ngài kết luận bài thuyết trình dài rằng:

”Một nền văn hóa hoàn toàn duy thực nghiệm đẩy lui vấn đề liên quan tới Thiên Chúa vào lãnh vực chủ quan, như thể đó là điều không có tính chất khoa học, thì đó là một sự đầu hàng của lý trí, từ bỏ những khả năng cao cả nhất của lý trí, và như thế đó là một sự thất bại của chủ thuyết nhân bản, với những hậu quả thật là trầm trọng. Điều vốn là nền tảng của nền văn hóa Âu Châu, tức là sự tìm kiếm Thiên Chúa và sẵn sàng lắng nghe Chúa, ngày nay vẫn còn là nền tảng của mọi nền văn hóa đích thực.”

Cuối bài thuyết trình, ĐTC còn chào thăm một số vị trong chính quyền, thị trưởng thành Paris, các đại diện của Hồi giáo và các giới văn hóa. Liền đó ngài tới Nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris vào lúc gần 7 giờ để hát kinh chiều với 2.800 linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Sau đó ngài tiến ra bên ngoài thánh đường để chào thăm hàng ngàn bạn trẻ tụ tập ở bên ngoài, chuẩn bị cuộc canh thức cầu nguyện cho thánh lễ sáng thứ bẩy hôm nay với ĐTC tại Quảng trường Viện Phế Binh.

Mục lục

Đức Thánh Cha tiếp kiến 16 Giám Mục nước Paraguay

CASTEL GANDOLFO. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ các GM Paraguay gia tăng tình đoàn kết và hiệp nhất trong các cộng đoàn giáo phận, và làm chứng tá trong xã hội.

Trong buổi tiếp kiến sáng 11-9-2008, dành cho 16 GM nước Paraguay, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương Roma, viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, ĐTC nhận định rằng: ”Các thách đố mục vụ mà anh em phải đương đầu thực là lớn lao và phức tạp. Đứng trước một môi trường văn hóa toan tính gạt Thiên Chúa ra ngoài lề cuộc sống con người và xã hội, hoặc coi Chúa là chướng ngại cản trở con người đạt tới hạnh phúc của mình, cần cấp thiết phát huy nỗ lực truyền giáo sâu rộng, đặt Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm mọi hoạt động mục vụ, và làm cho mọi người được biết vẻ đẹp và sự thật của đời sống và sứ điệp cứu độ của Chúa...Theo nghĩa đó, cần sự hiện diện của các chứng nhân đích thực về đời sống Kitô chân chính, cùng với sự thánh thiện của các vị mục tử. Đó là một đòi hỏi rất thời sự trong Giáo Hội cũng như trong thế giới”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi khích lệ anh em làm việc hết sức để gia tăng tình hiệp nhất trong các cộng đoàn giáo phận của anh em, cũng như với Tòa Thánh. Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện, nhất là trong Bữa Tiệc Ly (Jn 17,20-21), chính là nguồn mạch sự phong phú đích thực về mục vụ và tu đức”.

ĐTC không quên nhắn nhủ các GM Paraguay quan tâm tăng việc việc thường huấn cho các linh mục, giúp các vị canh tân đời sống thiêng liêng (cf 2 Tm 4,14), để nhờ được thúc đẩy bằng tình yêu sâu xa và tuân phục Giáo Hội, các linh mục làm việc không biết mệt mỏi để trao tặng mọi người lương thực duy nhất có thể làm thỏa mãn lòng khát khao của con người, đó chính là Chúa Giêsu Kitô. ĐTC nhắc nhở rằng ”sự vui tươi, xác tín mạnh mẽ và lòng trung thành của các linh mục trong cuộc sống ơn gọi của mình hằng ngày sẽ khích lệ nhiều bạn trẻ mong ước theo Chúa Kitô trong chức linh mục, quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa”.

Sau cùng, ĐTC không quên kêu gọi các GM Paraguay đẩy mạnh việc huấn luyện giáo dân dấn thân trong lãnh vực chính trị và xã hội.

Paraguay hiện có 6 triệu dân cư trong đó 91% là tín hữu Công Giáo. Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Đức Cha Gogorza Izaguirre, GM giáo phận Encarnación, Chủ tịch HĐGM, cho biết thách đố đầu tiên đối với Giáo Hội tại Paragay là sự thay đổi chính trị. Trong 60 năm trước đây quốc gia này do một đảng duy nhất cai trị và vị tổng thống không có thiện cảm đối với Giáo Hội Công Giáo. Từ này 15-8 vừa qua, Tổng thống Paraguay là Fernado Lugo, cựu GM giáo phận San Pedro, được ĐTC cho hồi tục. Sự kiện này cũng có liên hệ tới Giáo Hội, theo nghĩa vì Tổng thống là một cựu GM, nên nhiều người nghĩ rằng Giáo Hội can dự vào công việc của chính phủ. Vì thế, HĐGM Paraguay đã phải công bố một văn kiện nêu rõ bản chất quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước, giúp các tín hữu hiểu rõ Giáo Hội và Nhà Nước không phải là một; Giáo Hội độc lập và duy trì đường hướng như đã có đối với các chính phủ trước đây, đó là một Giáo Hội rao giảng Lời Chúa, đồng thời thi hành nghĩa vụ làm ngôn sứ; tuy nhiên, Giáo Hội cộng tác với nhà nước trong các dự án có thể được như giáo dục, súc khỏe và xã hội, nhưng vẫn giữ tuyên tính chất độc lập.

Theo Đức Cha Izaguirre, điều mà nhân dân Paraguay mong muốn nhất hiện nay là chấm dứt nạn tham ô hối lộ; tiếp đến là chính quyền dành ưu tiên cho lãnh vực xã hội, giúp đỡ những người túng thiếu và thực thi công bằng xã hội; thứ ba là cải tổ ruộng đất để tất cả những người làm nghề nông có đất đai để canh tác. Sau cùng nhân dân mong muốn chính phủ thực sự phục vụ người dân, và giải quyết các vấn đề cấp thiết của đất nước, tránh cho nhiều người buộc lòng phải di cư ra nước ngoài tìm sinh kế. (SD 11-9-2008)

Mục lục

Đức Thánh Cha chủ sự nghi thức từ biệt ĐHY Innocenti

VATICAN. Sáng 10-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự nghi thức tiễn biệt ĐHY Antonio Innocenti, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, mới qua đời hưởng thọ 93 tuổi.

Nghi thức này diễn ra vào cuối thánh lễ an táng do ĐHY Angelo Sodano, Niên trưởng Hồng y đoàn chủ sự, cùng với 24 HY đồng tế tại Đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của một số GM và lối 1 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến sự nghiệp của ĐHY Innocenti người Italia, sinh năm 1915, thụ phong LM lúc 23 tuổi, du học Roma, rồi làm giáo sư giáo luật tại giáo phận Fiesole nguyên quán. Cha giúp Đức GM bản quyền trong các cuộc viếng thăm mục vụ thời thế chiến thứ hai, nổi bật về lòng hy sinh và quảng đạo trong việc giúp đỡ dân chúng và cứu những người bị bắt để đưa đi lưu đày. Cũng vì thế, cha Innocenti bị bắt và kết án xử bắn. Nhưng chính lúc cha bị đứng trước đội hành quyết thì lệnh được thu hồi”.

Về sau, theo lời khuyên của Đức Giovanni Battista Montini, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh (sau này là ĐGH Phaolô 6), cha Innocenti gia nhập trường ngoại giao Tòa Thánh năm 1949 và được thăng TGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Paragay năm 1967. 6 năm sau, ngài được Đức Phaolô 6 gọi về Roma và bổ nhiệm làm Tổng thư ký Bộ bí tích và sau đó Bộ này được gộp chung với Bộ phụng tự từ năm 1975.

Sau đó, Đức TGM Innocenti còn đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Tây Ban Nha trước khi được bổ làm Hồng y tổng trưởng Bộ giáo sĩ từ năm 1986 cho đến khi về hưu hồi năm 1991. ĐHY cũng từng làm Chủ tịch thừa Ủy Thượng HĐGM thế giới kỳ 8 về việc đào tạo LM, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo tồn các gia sản nghệ thuật và lịch sử của Giáo Hội, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh ”Giáo Hội của Thiên Chúa” (Ecclesia Dei) đặc trách về các tín hữu Công Giáo thủ cựu.

ĐTC ghi nhận rằng trong bao nhiêu công tác ngoại giao, ĐHY Innocenti không bao giờ quên đường hướng sâu xa và chân thành của sứ vụ linh mục, xả thân bênh vực anh chị em, mang lại can đảm và nuôi dưỡng nơi mọi người niềm tin và hy vọng Kitô.”

Với sự qua đi của ĐHY Innocenti, Hồng y đoàn còn 193 vị, trong đó có 116 vị dưới 80 tuổi (SD 10-9-2008)

Mục lục

Đức Hồng Y Pell được bổ nhiệm làm chủ tịch Thượng Hội Đồng Giám Mục


VATICAN ngày 9 tháng 9, 2008 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bổ nhiệm Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, Úc, làm chủ tịch đại biểu cho phiên họp khoáng đại lần thứ 12 của Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Đức Hồng Y Pell đã tiếp đón Đức Thánh Cha trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney, thay thế cho Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, Ấn Độ đã không thể tham dự, theo lời thông báo của Toà Thánh hôm nay.

Còn có hai chủ tịch đại biểu khác: Đức Hồng Y William Joseph Levada, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, Tổng Giám Mục São Paulo, Ba Tây.

 

Thượng Hội Đồng sẽ nhóm họp từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10, 2008 tại Vatican với chủ đề “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội.”

Vatican (CNS) – Chọn người từ mọi miền trên thế giới và từ nhiều lãnh vực chuyên biệt khác nhau, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã bổ nhiệm 32 thành viên có quyền bỏ phiếu, 41 chuyên viên và 37 quan sát viên cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới.

Việc bổ nhiệm 6 nữ học giả trong thành phần chuyên viên và 19 phụ nữ khác trong thành phần quan sát viên sẽ làm cho Thượng hội đồng về Lời Chúa tổ chức từ ngày 5 đến 26 tháng 10 trở thành một Thượng hội đồng giám mục Công giáo có số thành viên phụ nữ lớn nhất từ trước tới này.

Danh sách các vị được Đức giáo hoàng bổ nhiệm đã được Tòa thánh Vatican công bố hôm 6 tháng 9 vừa qua.

Ngoài 32 vị giáo phẩm được Đức giáo hoàng Bênêđictô bổ nhiệm làm thành viên chính thức của Thượng hội đồng, còn có khoảng 180 giám mục được Hội đồng giám mục các quốc gia bầu chọn (trong số này có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Gm Thanh Hóa, và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Gm Phó Nha Trang ), 10 linh mục do Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền chọn. Ngoài ra, còn có các vị đương nhiên là thành viên của Thượng hội đồng, tức là khoảng hơn hai chục hồng y, tổng giám mục đứng đầu các bộ và hội đồng của Tòa thánh.

Trong các vị được bổ nhiệm, có 18 hồng y. 12 trong số 18 vị này đang cai quản các giáo phận, như hồng y Marc Ouellet ở Quebec (Canada), George Pell ở Sydney (Australia), và Joseph Trần Nhật quân (Zen Ze-kiun) ở Hong Kong.

Những giám mục được Đức giáo hoàng bổ nhiệm đến từ các châu Á, Phi, Âu và Úc. Trong số này có Giám mục Jose Lai Hung-seng ở Ma-cao (Macau).

Ngoài ra, trong số thành viên chính thức của Thượng hội đồng được Đức giáo hoàng bổ nhiệm còn có giám mục Javier Echevarria Rodriguez, trưởng phủ giám hạt Opus Dei; Cha Adolfo Nicolas, bề trên tổng quyền Dòng Tên; và Cha Julian Carron, chủ tịch phong trào Hiệp thông và Giải phóng.

Các thành viên có quyều bỏ phiếu được phát biểu trong toàn thể các phiên họp. Các vị này quyết định những đề nghị sẽ được trình lên Đức giáo hoàng vào cuối phiên họp.

41 chuyên viên sẽ là những người cung cấp dữ liệu cho các thành viên Thượng hội đồng giám mục trong các tham luận về sự quan trọng của Kinh thánh trong cuộc sống giáo hội, địa vị của Tin Mừng trong kinh nguyện Công giáo, ước định vai trò của Kinh thánh trong các mối liên hệ đại kết và liên tôn giáo, và thảo luận những phương cách nhằm cải thiện sự học hỏi về Kinh thánh ở mọi tầng lớp trong giáo hội (trong số 41 chuyên viên này có Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, thuộc giáo phận Quy Nhơn, Giáo sư Kinh Thánh tại Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang.)

Khác với những lần trước đây, thánh lễ khai mạc Thượng HĐGM thế giới sắp tới sẽ ĐTC chủ sự vào lúc 9 giờ rưỡi sáng chúa nhật 5-10 với các nghị phụ tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, nhân dịp năm Năm Thánh Phaolô, thay vì tại Đền thờ thánh Phêrô

Mục lục

Tòa Thánh phổ biến lịch trình cho ba tháng 9, 10 và 11

VATICAN 5 tháng 9, 2008 (Zenit.org).- Ba chuyến viếng thăm mục vụ và Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa là hai tiết mục được ghi trong lịch trình của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong các tháng sắp tới.

Hôm nay Tòa Thánh Vatican phổ biến lịch trình các sinh hoạt Đức Thánh Cha sẽ chủ tọa trong ba tháng 9, 10, và 11.

Chủ Nhật này, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm mục vụ Cagliari, Ý. Rồi ngài sẽ đi Pháp ngày Thứ Sáu, 12 tháng 9 để tham dự lễ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, và trở về ngày Thứ Hai, 15 tháng 9.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ cử hành Thánh Lễ và cung hiến bàn thờ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Albano, Ý, ngày 25 tháng 9.


Ngài sẽ khai mạc phiên họp khoáng đại thường lệ lần thứ 12 của Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 5 tháng 10 trong một nghi lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành. Bồn tuần sau, ngày 26 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ chủ tọa lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

Ngày 9 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Kỷ Niệm 50 năm của vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Piô XII.

Ngày 12 tháng 10, ngài sẽ chủ tọa việc phong thánh cho bốn người.

Tuần sau, ngày 19 tháng 10, ngài sẽ thăm viếng mục vụ, lần này đến Pompei, Ý, nơi Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ và hướng dẫn việc lần hạt Mân Côi.

Cuối cùng, ngày 3 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ chủ tế trong Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho linh hồn của các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong năm qua.

Mục lục

 

Giáo Hội Công Giáo Úc góp phần vào việc xây dựng luật liên quan đến các tổ chức từ thiện

Sydney (Agenzia Fides) – Giáo Hội Công Giáo Úc đã góp phần của mình vào cuộc thảo luận đang diễn ra ở đất nước này về điều chỉnh luật pháp đối với các hiệp hội từ thiện và các tổ chức phi chính phủ. Hiện giờ, vấn đề được sự giám sát của một Ủy ban đặc biệt của Thượng Viện Úc.

Hội đồng Giám Mục Úc đã gởi tuyên bố của mình trình bày nhiều hoạt động đang diễn ra trong thế giới Công Giáo liên quan đến những lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Văn bản trình bày sơ lượt một số việc cần phải thay đổi và đưa ra một số đề nghị.

Đóng góp của các giám mục được đưa ra dựa trên một nghiên cứu nội bộ thực hiện trong tất cả các tổ chức của Giáo Hội xét trên bình diện xã hội, đòi hỏi ủng hộ tài chính, nhất là do những dịch vụ đang thực hiện vươn tới những nơi mà nhà nước đang thiếu và mang lại lợi ích cho toàn thể quốc gia.

Giáo Hội Úc đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực giáo dục và y tế, phát triển và công bằng xã hội. Các thiện nguyện viên Công Giáo nhận xét có sự gia tăng nghèo khổ ở nhiều vùng nông thôn Úc, họ cho rằng sự loại bỏ của xã hội đã làm gia tăng các hoạt động tội phạm.

Nghèo khổ và bị loại bỏ ở Úc thường được đề cập đến những người thổ dân thiểu số. Ở một số khu vực, 45% thổ dân thất nghiệp. Một gia đình bản xứ có hơn 20 cơ hội không có chỗ sinh sống, hơn cả một gia đình không phải là người bản xứ. Vì thế các tổ chức Công Giáo yêu cầu có những can thiệp một cách trung thực và rõ ràng vào các lĩnh vực chính như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, gia đình và môi trường.

Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu mời cầu nguyện trước bầu cử

Kansas (Agenzia Fides) – Khi ngày bầu cử ở Hoa Kỳ đã cận kề, 4 vị Giám Mục của bang Kansas đã đưa ra một văn bản hướng dẫn mục vụ dành cho tín hữu với tựa đề: “Các Nguyên Tắc Luân Lý Dành Cho Các Cử Tri Công Giáo”. Mặc dù Giáo Hội Công Giáo không ủng hộ bất kỳ ứng viên nào nhưng các Giám Mục cho hay: “đó là trách nhiệm giúp người Công Giáo đào luyện lương tâm của mình một cách đúng đắn, nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện quyền công dân mang tầm mức quan trọng này”. “Các Nguyên Tắc Luân Lý Dành Cho Các Cử Tri Công Giáo” không bảo người Công Giáo bỏ phiếu thế nào, nhưng “giúp họ bỏ phiếu theo cách có hiểu biết, phù hợp với Giáo huấn luân lý Kitô giáo”.

Các giám mục nhắc lại 5 điểm “không khoan nhượng” và vì thế người Công Giáo không bỏ phiếu ủng hộ: “Lương tâm Kitô hữu được đào luyện kỹ càng không thể cho phép bất kỳ ai bỏ phiếu ủng hộ cho việc đặt ra chương trình chính trị hoặc việc phê chuẩn dự luật chứa đựng những đề nghị trái nghịch với những nội dung cơ bản của đức tin và những nguyên tắc luân lý”. Năm điểm không khoan nhượng là: phá thai, an tử, nghiên cứu tế bào gốc, sinh sản vô tính người và kết hợp đồng tính.

Thêm vào đó, các giám mục Hoa Kỳ cũng yêu cầu người Công Giáo tham gia cửu nhật cầu nguyện đặc biệt trước cuộc bầu cử, cầu cho sự sống, công lý và hoà bình. Cuộc cầu nguyện mang tựa đề “Cửu nhật cầu cho Công Dân Chân Chính (Novena for Faithful Citizenship)” và có thể tìm thấy lời cầu trên Website của Hội đồng Giám Mục Hoà Kỳ cho đến ngày bầu cử 04/11 (http://www.faithfulcitizenship.org/resources/podcasts).

Joan Rosenhauer, Trợ lý Giám Đốc Văn phòng Công lý, Hoà bình và Phát triển Con người của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho hay cửu nhật cầu nguyện đặc biệt là một phần “cuộc vận động của các giám mục nhẳm giúp người Công Giáo phát triển lương tâm được đào luyện kỹ càng cho việc nhận xét các vấn đề chính trị và xã hội”. Helen Osman, Thư ký truyền thông của Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ, bày tỏ niềm hy vọng rằng Cửu nhật cầu nguyện có thể giúp “Người Công Giáo tham gia vào suy tư cầu nguyện để họ chuẩn bị bỏ phiếu”. Cô nói thêm rằng Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ muốn truyền sức mạnh cho người Công Giáo khi chúng có ảnh hưởng đến các vấn đề tiền bầu cử và để “việc cung cấp một nguồn mạch cầu nguyện trên web có thể giúp chúng ta chú trọng đến các giá trị chung và được nhận diện là người Công Giáo”

Mục lục

 

“Một linh mục phải sống chết cho giáo dân như người cha trong gia đình”

YÊN BÁI, Việt Nam (UCAN 5/9/2008) -- Vị linh mục coi một giáo xứ bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề gần đây nói linh mục không chỉ coi sóc mục vụ cho giáo dân mà còn sẵn sàng sống chết cho họ, nhất là khi họ gặp gian nguy.

Linh mục Micae Trần Văn Thìn, quản xứ Nhân Nghĩa, nói ngài theo ý Chúa tìm cách bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong vùng bị lũ lụt khủng khiếp nhất trong 40 năm qua. Ngoài giúp đỡ những người bị lũ, ngài còn kêu gọi những người không bị ảnh hưởng hãy giúp đỡ các nạn nhân bằng cách cho họ ở nhờ.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, mưa lớn từ ngày 7-10/8 đã gây ra lũ lụt tại 10 tỉnh miền bắc làm 119 người chết, 40 người mất tích và 86 người bị thương. Nước lũ còn phá huỷ 18.686 ngôi nhà, 15.218 hécta hoa màu và 220 cây cầu.

Các tỉnh bị nặng nhất là Lào Cai và Yên Bái, có 88 người chết, 35 người mất tích và 77 người bị thương. Hai tỉnh này và sáu trong tám tỉnh bị lụt còn lại nằm trong địa phận của giáo phận Hưng Hoá.

Giáo xứ của cha Thìn đặt trụ sở ở xã Báo Đáp, cách Hà Nội 210 km về phía tây bắc, và còn trông coi ba xã khác thuộc tỉnh Yên Bái. Giáo xứ được thành lập năm 1964 có 3.000 người Công giáo trong số 30.000 dân.

Hầu hết dân cư là nông dân, nhà cửa chủ yếu làm bằng tranh tre vách đất lợp lá cọ, và đã bị ngập nước sâu từ 2-5 mét. 400 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp, mất hoa màu, gia súc, gia cầm và cá nuôi ở ao hồ trong đợt lũ. Đồng ruộng của họ bị vùi trong cát và bùn sâu tới cả mét.

Giáo phận đã phát 50 thùng mì ăn liền và 20 triệu đồng cho những người bị ảnh hưởng nặng nhất. Số tiền đã được dùng để mua gạo phát cho họ. Chính quyền địa phương cũng phát cho mỗi người dân một thùng mì và 10 kg gạo. Họ còn định sửa lại nhà cửa bị hư và phát cây giống cho người dân trồng trọt.

Cha Thìn, 44 tuổi, chịu chức linh mục năm 2001, được bổ nhiệm làm quản xứ Nhân Nghĩa ngày 4-1 vừa qua. Hôm 23-8, ngài kể với UCA News về những nỗ lực giúp giữ tính mạng và của cải của người dân trong trận lũ. Sau đây là cuộc phỏng vấn:

UCA News (H): Cha đã làm gì cho người dân trong trận lũ?

Cha Micae Trần Văn Thìn: Hầu hết trong tổng số 3.000 giáo dân trong giáo xứ của tôi nằm dọc hai bên bờ sông Hồng với chiều dài khoảng 20 km, nguyên nhân do nước lũ sông Hồng chảy từ Trung Quốc dâng cao tràn hai bờ. Khi nước lũ bắt đầu dâng lên trong vùng, tôi nhanh chóng thông báo cho giáo dân trong thánh lễ, điện thoại tới các giáo họ phải sơ tán người cùng đồ đạc lên những nơi cao nhất trong vùng. 250 người Công giáo đã phải di chuyển tới nơi cao.

Tôi kêu gọi những nhà không bị lụt hãy ra tay thể hiện tình bác ái Công giáo như nhường cơm sẻ áo cho người bị nạn, cho họ ở trọ cho đến khi nước rút, giúp nhau vận chuyển đồ đạc. Vì vậy, rất nhiều người bị nạn vì lũ đã được những người bà con, hàng xóm trong giáo xứ cho ăn ở miễn phí cả tuần từ 7-13/8. Tôi vui mừng vì không ai bị chết đuối. Tôi nói với họ rằng quan trọng là cứu người và bảo vệ tài sản khỏi bị lũ cuốn trôi.

Trong những ngày đó, không kịp đội mũ hay mang giày dép, cứ thế tôi lao đi tới các vùng lũ bằng chân đất, lúc đi thuyền qua sông để cùng với người dân cột lại nhà cửa vào các gốc cây to không cho nước cuốn trôi, xúc bùn đất ra khỏi nhà, di chuyển đồ đạc, thóc ngô khoai, có chỗ tôi phải bơi qua dòng thác để cứu những em bé còn mắc kẹt lại trong nhà đang ngập và đưa đến nơi an toàn.

Rồi tôi xuất ngay 10 triệu đồng cuối cùng còn lại trong nhà lúc đó mua khẩn cấp gạo và mì tôm cấp phát cho các gia đình bị nạn cả Công giáo và lương dân, mỗi nhà 5 kg gạo và một thùng mì, vì thế họ không bị đói trong lũ.

Tôi còn đi tới các uỷ ban nhân dân bốn xã bị lụt trên địa bàn giáo xứ và trao mỗi nơi một triệu đồng, góp phần với xã hội cứu trợ đồng bào trong lúc nước sôi lửa bỏng. Chính điều này làm cho cán bộ xã cảm phục và nói “Linh mục thật nhanh nhạy và thương dân, vì khi cán bộ đi tới đâu cũng thấy linh mục có mặt ở đó giúp dân trước rồi”.

(H): Trong lúc lăn lộn giúp dân cha có gặp khó khăn gì và có những chuyện gì đáng nhớ?

Khi thấy tôi lao tới các vùng bị ngập lụt, nhất là băng qua các dòng thác đang cuồn cuộn chảy thì nhiều giáo dân ra sức ngăn cản không cho tôi đi, và cho rằng tôi không phải đi làm gì cho nguy hiểm, nếu tôi có mệnh hệ gì thì họ biết cậy vào ai. Tôi phải thuyết phục họ và nói những lúc nguy hiểm thế này Chúa mới gửi tôi tới giúp người bị nạn. Thậm chí khi tôi quyết tâm yêu cầu anh lái đò đưa qua sông Hồng để thị sát tình hình lũ lụt, anh ta nhất định không dám chở vì nguy hiểm, nhưng tôi cứ nhất quyết đi và hứa sẽ bảo đảm an toàn cho anh, thế là anh ta đành vâng lời chở linh mục qua sông.

Cũng có những gia đình ở gần hai bên bờ sông quá ngoan cố không chịu di dời khỏi nơi nguy hiểm, họ cố thủ ở trong nhà hay trèo lên xà nhà. Những trường hợp này tôi phải gọi một số giáo dân khoẻ mạnh cưỡng chế lôi họ ra khỏi nhà và đưa những người bị bệnh tâm thần đến nơi an toàn. Có những gia đình khi đưa được người ra khỏi nhà thì cơn lũ chọc thủng vách nhà từ đằng sau ra đằng trước quá nguy hiểm.

Sau lũ, ai cũng tạ ơn Chúa, nhưng cũng tự hỏi “Sao trong nước lũ mình lại liều mạng thế”.

(H): Sao cha lại liều như thế?

Đơn giản thôi. Vì giáo dân tôn trọng và gọi linh mục là “Cha”, đó là cách họ nhận mình là con cái của linh mục. Vậy thì không có lý do nào ngăn cản việc linh mục có những hành động yêu thương và lo lắng cho con cái như một người cha trong gia đình. Người cha đó phải biết con cái mình đang cần cái gì, thiếu thốn cái gì và đang gặp nguy hiểm ra sao. Chính vì điều đó mà tôi đem hết khả năng của mình để che chở cho giáo dân thoát khỏi những cơn lũ tử thần, và phải cho họ ăn. Nếu cứ vô tình mặc kệ cho giáo dân tự bơi trong cơn lũ, chết hết hay mất hết mọi thứ mà linh mục không làm gì thì không còn là linh mục của Chúa Giêsu nữa.

Người linh mục ngày nay không chỉ quá chú tâm vào những lễ nghi tôn giáo, chỉ biết làm lễ, mục vụ các bí tích mà thôi, nhưng quan trọng hơn người linh mục phải biết sống phục vụ, đồng hành với giáo dân của mình, cùng chia vui sẻ buồn với họ trong mọi biến cố cuộc đời họ.

Sau lũ, giáo dân và tôi hiểu nhau và gắn bó hơn.

(H): Sau lũ người dân gặp khó khăn gì và làm gì để sống?

Tôi thấy hiện tại thì người dân chưa đói, vì họ còn chút lương thực vớt vát được sau lũ, và có thể khôi phục lại một chút hoa màu rất nhỏ còn sót lại, nhưng chắc chắn kể từ tháng 9 trở đi cho đến giữa năm sau người dân vùng lũ này sẽ đói nặng. Hiện nay toàn bộ ruộng lúa đang làm đòng, bãi ngô đang ra trái, cùng khoai rau sắp thu hoạch đã bị nhấn chìm trong lũ, bùn cát san phẳng như một sa mạc cát. Họ sẽ phải mất một thời gian dài để phục hồi lại đồng ruộng sau lũ. Tới tháng 2 năm sau người ta mới xuống đồng được.

Tôi lo lắm vì giáo dân xứ tôi được coi là nghèo nhất trong giáo phận Hưng Hoá, mỗi người dân ở đây chỉ sống nhờ vào 10 thước ruộng, tương đương 240 mét vuông, và không có nghề phụ nào.

Hiện nay một số người đang cố gắng phục hồi đồng ruộng để có thể canh tác trở lại, và nhiều người có đất bị thiệt hại nặng phải đi đánh bắt cá ở các sông suối hay lượm củi để kiếm sống.

(H): Vậy cha có kế hoạch gì giúp họ không?

Tôi là linh mục nghèo, không có nhiều tiền để giúp họ, nhưng tôi cũng đang lên kế hoạch nhỏ giúp người dân có phân bón. Tôi có khoảng 20 triệu đồng đủ mua khoảng 5 tấn phân bón để cho những nhà nào nghèo nhất và bị thiệt hại nặng nhất vì lũ vay không lấy lãi. Nếu tôi xin được viện trợ thì sẽ cho họ không lấy lại, bằng không thì tới vụ mùa sang năm tôi sẽ thu lại theo khả năng tài chính của họ. Nhu cầu của 400 gia đình bị nạn thì cần tới 40 tấn phân trị giá khoảng 180 triệu đồng, trung bình mỗi nhà cần 100 kg phân đạm, lân cho thời vụ sắp tới, nhưng lực bất tòng tâm.

Mặt khác, tôi kêu gọi người dân tự lực cánh sinh, hãy tự cứu lấy mình trong lúc này. Tôi kêu gọi mọi người chi tiêu tiết kiệm, đóng góp tiền bạc theo khả năng để giúp nhau mua giống lúa, mua sách vở cho con cái vào năm học mới.

Tôi còn khuyên họ không nên bán đi những đồ đạc, gia súc, gia cầm trong nhà làm gì trong lúc này vì giá rẻ và dễ bị lái buôn ép giá.

Tôi hy vọng Nhà nước và Giáo hội sớm giúp đỡ họ ổn định cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai.

UCAN

Mục lục

Tổng giáo phận Huế có thêm 7 tân Linh mục

HUẾ - Sáng hôm ngày 11.09.2008, tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế, Tổng Giáo phận Huế đã tổ chức long trọng lễ truyền chức linh mục cho 7 thầy phó tế:


1. Bênêdictô Ngô Văn Hài, sinh năm 1973, thuộc giáo xứ Thành Công.

2. Phanxicô Xaviê Nguyễn Thiện Nhân, sinh năm 1975 thuộc giáo xứ Thạch Hãn.

3. Phêrô Nguyễn Vũ, sinh năm 1975, thuộc giáo xứ Hà Úc.

4. Gioan Baotixita Phạm Xứ, sinh năm 1969, thuộc giáo xứ Sơn Công.

5. Giuse Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1976 thuộc giáo xứ Tân Lương.

6. Phêrô Nguyễn Thái Công, sinh năm 1974 tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế.

7. Stêphanô Trần Đình Tề, sinh năm 1973 tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế.


 Thánh lễ đồng tế do Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể chủ sự với sự tham dự của Đức Giám mục Phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Đức ông Hiêrônimô Nguyễn Ngọc Hàm,cha Simon Trương Quỳnh bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm Huế, cha Anphong Nguyễn Hữu Long quyền Giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế cùng với khoảng 150 linh mục trong và ngoài giáo phận, tu sĩ nam nữ.


Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục đã nói: “Ơn gọi linh mục được nảy sinh từ trong gia đình họ hàng dòng tộc, với sự đóng góp công lao mồ hôi nước mắt ứng với lời thánh vịnh: Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan. Trong niềm vui của gia đình, niềm vui của giáo phận. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa lòng cảm tạ tri ân đã chọn gọi các thầy phó tế để nhận chức linh mục hầu phụng sự Chúa và phục vụ giáo hội.”


Trong bài huấn từ, Ngài cũng đã nói: “Chúa Giêsu đã chọn trong cộng đoàn một số người để chính thức thi hành nhiệm vụ tư tế thừa tác trong Hội Thánh. Các thầy phó tế đã được chọn gọi để thụ phong linh mục hầu phục vụ dân thánh Chúa, xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô và loan báo tin mừng. Vì các thầy phải nên giống Chúa Kitô thượng tế muôn đời và liên kết với Giám mục nên tôi sẽ đặt tay lên đầu và đọc lời thánh hiến. Cử chỉ đặt tay là ơn ban của Chúa Thánh Thần để họ có thể thánh hóa và chăm sóc cộng đoàn. Các tân linh mục sẽ thi hành thừa tác vụ giảng dạy và thánh hóa cộng đoàn, vì là thừa tác viên rao giảng tin mừng nên phải thấm nhuần Lời Chúa trước khi giảng dạy cho người khác. Hãy hiến tế chính bản thân mình, từ bỏ những đam mê dục vong, không tính toán so đo, không quản ngại khó khăn gian khổ, không tìm kiếm danh vọng.


Mở đầu nghi thức truyền chức, cha Simon Trương Quỳnh Bề trên Tổng quyền dòng Thánh Tâm Huế xướng danh các tiến chức và cha Anphong Nguyễn Hữu Long quyền Giám đốc Đại Chủng viện tiến cử lên Đức Tổng Giám mục.


Sau khi Đức Tổng Giám mục đặt tay lên đầu các tân chức, Đức Giám mục phụ tá cùng linh mục doàn đã đặt tay lên đầu thể hiện sự đón nhận và cộng đoàn linh mục. Cha mẹ các tân chức đã dâng lên Đức Tổng Giám mục áo lễ và chén thánh để Ngài làm phép thánh hóa và trao cho các tân chức trong niềm hân hoan của toàn thể cộng đoàn dân Chúa.


Thánh lễ được tiếp tục, các tân chức bước lên bàn thờ cùng dâng thánh lễ với Đức Tổng Giám muc.


Sau thánh lễ, đại diện các tân linh mục đã bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục phụ tá, các linh mục bề trên, các cha giáo, các thầy giáo đã dày công vun đắp đẻ hôm nay được bước lên bàn thánh Chúa. Các tân linh mục trong niềm xúc động đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với cha mẹ đã hiến dâng con mình cho Chúa đồng thời ủy thác anh chị em chăm sóc các bậc sinh thành để các ngài yên tâm phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội.

Trương Minh Phương

GIÁO XỨ TRUNG CHÁNH KHÁNH THÀNH NHÀ SINH HOẠT MỤC VỤ

 

Vào sáng ngày 6.9.2008 giáo xứ Trung Chánh (Hóc Môn) Sài gòn đã tổ chức lễ khánh thành Nhà sinh hoạt mục vụ Hiệp Nhất, nhân dịp giáo xứ kỷ niệm một năm ngày cung hiến thánh đường (22.8.2008). Linh mục GB Huỳnh Công Minh, Tổng đại diện Giáo phận Sài gòn và Đức ông Đinh Đức Đạo, giáo xư về Truyền Giáo học tại Đại học Urbanô, đã tham dự và chủ sự nghi thức khánh thành Nhà sinh hoạt Mục vụ Hiệp nhất. Đông đảo các linh mục hạt trưởng trong giáo hạt Hóc Môn, cùng với các tu sĩ nam nữ đã đến dâng và tham dự thánh lễ với giáo dân trong giáo xứ Trung Chánh.

 

Nhà sinh hoạt Mục vụ Hiệp nhất được khởi công đại tụ vào ngày 19.3.2008 gồm hai lầu. Tầng trệt và lầu hai không có phòng, dành cho những sinh hoạt chung của giáo xứ lầu một gồm 5 phòng. Kinh phí xây dựng ước chừng khoảng 3 tỉ đồng.

 

Chia sẻ trong thánh lễ Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo đã mời gọi mọi người hãy trở nên đền thờ của Thiên Chúa, trở thành niềm vui cho tha nhân.

 

Trước đó vào tối ngày 5.9.2008 giáo xứ Trung Chánh đã tổ chức buổi diễn nguyện tạ ơn và tôn vinh Đức Maria.

 

Trần Tâm (lược ghi)

Mục lục

Đêm Hợp Xướng Truyện Kiều của nhạc sĩ Công Giáo Vũ Đình Ân

 

SAIGON - Tối thứ hai 8.9.2008 tại Nhà hát Bến Thành, nhạc sĩ Vũ Đình Ân một giáo dân thuộc giáo xứ Tân Thành, Hạt Tân Bình thuộc TGP Sài Gòn đã khoản đãi những người đến tham dự một buổi dạ tiệc bằng âm thanh, màu sắc, ánh sáng tràn ngập qua Đêm Công Diễn Hợp Xướng Truyện Kiều với phần múa minh hoạ của Vũ đoàn Phương Việt. Quả thật! mọi người đã không uổng công khi đến dự một loại hình nghệ thuật “khó thưởng thức” trong một buổi tối đầy mưa gió như thế này.

 Có mặt trong khán phòng nhà hát Bến Thành tối nay là những gương mặt nổi tiếng cả ngoài đời lẫn trong đạo: GS-TS Ca Lê Thuần – Tổng thư ký Hội Âm Nhạc tp HCM, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, ns Trần Xuân Tiến, đạo diễn Truyền Hình Trần Kiên v.v… các Lm-Ns Đỗ Xuân Quế nguyên Trưởng Ban Thánh Nhạc TGP Sài Gòn, lmns Vương Diệu, Trưởng nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, lmns Tiến Lộc, ns lão thành Duy Tân, ca trưởng Đinh Thiện Bản và nhiều nữa những vị ngồi rãi rác trong khán phòng mà tôi không thể nào nhìn thấy hết, nhiều nhất là các nữ tu …


Nhạc sĩ Vũ Đình Ân hiện là hội viên hội nhạc sĩ TP.HCM, hội viên hội nhạc sĩ VN với những giải thưởng của hội nhạc sĩ tp.HCM (thể loại hợp xướng); giải thưởng của hội nhạc sĩ Việt Nam (thể loại hợp xướng năm 1999-2002) ông còn là thành viên ban thường trực nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh là một người rất năng nổ trong các sinh hoạt Công Giáo. Ông ấp ủ đề tài viết hợp xướng 4 bè với lời thơ đã có sẵn: Truyện Kiều của Đại Thi Hào Nguyễn Du với thời lượng hơn 70 phút, gồm 3 chương: Chương I. Mối tình đầu, chương II. Hồng nhan bạc phận, chương III. Tình chị duyên em trong thời gian 22 tháng từ tháng 7.1997 đến tháng 5.1999.


Hợp xướng nầy trước đây đã được công diễn 2 lần ở Trung Tâm Văn Hoá Quận 1 và TTVH.Quận Phú Nhuận. Riêng lần này được biểu diễn với dàn hợp xướng của 2 ban hợp xướng Suối Việt và Thạch Đà, hơn 100 diễn viên với đồng phục áo dài khăn đóng, quạt lộng, cờ hoa… phối hợp với nhóm Mặt Trời Mới, ca sĩ Hoài Phương cùng ca sĩ Nhất Sinh lĩnh xướng. Nhạc sĩ Vũ Đình Ân và Ns Nguyễn Bách chỉ huy, hợp xướng được trình bày cùng phần nhạc đệm dân tộc nhưng đặc biệt và có lẽ ấn tượng nhất là những diễn viên múa của vũ đoàn Phương Việt đã hoà quyện cùng dàn hợp xướng với những giai điệu có lúc nhẹ nhàng thanh thoát, có lúc man mác buồn, cũng có lúc hùng hồn, mạnh mẽ… các diễn viên múa đã hoá thân vào những Thuý Kiều, Thuý Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Kim Trọng, Sở Khanh, Từ Hải, Thúc Sinh, Hồ Tôn Hiến v.v… góp phần làm thành công cho đêm diễn này.


Trước buổi biểu diễn nhạc sĩ Vũ Đình Ân đã được vị đại diện Trung Tâm sách kỷ lục Việt Nam-VIETKINGS thuộc tổ hợp VIETBOOKS trao tặng bằng xác nhận Kỷ lục Việt Nam với kỷ lục Bản Hợp Xướng có thời lượng dài nhất Việt Nam.


Nhưng có lẽ ý nghĩa nhất, là đêm diễn có giá trị và tốn kém như vậy lại không bán vé (chỉ phát hành vé mời) những vị khách đến tham dự được hướng dẫn có những thùng tiền đặt ở nhiều vị trí để mọi người tuỳ hỉ bỏ tiền vào đó và tất cả số tiền thu được ( hơn 43 triệu đồng VN) dành tặng cho cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước.


Riêng nhạc sĩ tác giả Hợp Xướng Truyện Kiều dù rất thành công trong đêm diễn lại rất lo lắng vì số tiền chi phí cho trang phục hơn 100 diễn viên, trang trí sân khấu, chi phí tập dượt trong mấy tháng trời lên đến hàng 100 triệu đồng không biết tìm đâu ra ân nhân tài trợ để trả bớt nợ, ông chỉ mới được “an ủi” chút chút khi linh mục Phan Khắc Từ và bà Lệ Hằng một Việt kiều Pháp mỗi người giúp 10 triệu đồng. Mong thay có thêm nhiều vị khác nữa cũng “an ủi” người nhạc sĩ Công Giáo tài hoa nầy. Cũng có điều rất tiếc, do không tìm được tài trợ nên hợp xướng Truyện Kiều mang tính nghệ thuật cao như vậy lại chỉ có thể diễn 1 đêm duy nhất mà thôi!

 

Lê Kim

Mục lục

Đêm nhạc chủ đề “Cùng Eva mới” mừng kỷ niệm 3 năm cung hiến thánh đường giáo xứ Đaminh Ba Chuông

Đêm 4 tháng 9 vừa qua, giáo xứ Đaminh Ba Chuông tổ chức buổi hoà nhạc với chủ đề “Cùng Eva mới”, kết thúc tuần lễ mừng kỷ niệm 3 năm khánh thành ngôi thánh đường nổi tiếng này.

Mặc dù trời vẫn còn rả rích bởi cơn mưa lớn từ chiều, thế nhưng sân nhà thờ tối nay vẫn nườm nượm các thính giả, tây có ta có, tăng có tục có, bình dân có và quý tộc cũng có… Mọi người háo hức chờ đợi đến giờ thưởng thức đêm thánh ca đặc biệt này từ lâu.

Đêm nhạc hợp xướng lần này quy tụ các ngôi sao ca nhạc Công giáo nổi tiếng như trong giáo phận như đạo diễn Thanh Sâm, nhạc sĩ Vũ Đình Ân, nhà thơ Lê Đình Bảng, ca sĩ Triệu Yên, ca sĩ Thảo Trang, ca sĩ Quỳnh Anh… bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ ngoài Công giáo như nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm, nghệ sĩ Cổ Tân Minh Hương, ca sĩ Diệu Hiền… Việc các nghệ sĩ trong ngoài Công giáo cũng chung tiếng ca tấu lên lời ngợi khen Thiên Chúa, ca tụng Thánh Mẫu không là điều lạ lùng nơi thánh đường Ba Chuông tân thời nhưng cổ kính này.

Nếu như Thiên Chúa là Chân - Thiện - Mỹ thì các nghệ sỹ, những người phục vụ cho cái đẹp, phải là người trước nhất và đầu tiên tìm đến. Bởi vì Người là nguồn cội cho mọi vẻ đẹp. Thánh Âutinh khi chiêm ngắm Vẻ đẹp của Thiên Chúa đã phải thốt lên : “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung. Chúa ở bên trong tâm hồn. Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con. Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa”. Chính nét cái Đẹp khiến cho ranh giới giữa đạo và đời bị tại thánh đường Ba Chuông xoá nhoà, nhờ vẻ Đẹp khiến cho các tâm hồn rung động, cùng ngân lên những khúc tâm tình tri ân Thiên Chúa. Nét Đẹp khiến cho con người gần nhau, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, trời đất giao hoà, lòng người nên một…. Để được như thế, Ba Chuông là nơi thuận tiện cho việc giao thoa giữa tâm linh và đời thường, giữa thánh thiêng và bình dị. Ba Chuông như ngã ba sông để các dòng chảy cuộc đời được hợp lưu.

Nhìn lại (phần I)…

Trước giờ khai mạc, Cha chánh xứ Giuse Phạm Hưng Thịnh đã tâm tình cùng mọi người “Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ mình: hãy nghỉ ngơi. Lời hiệu triệu của Thầy Chí Thánh dành cho mọi nguời chúng ta. Ba năm dừng lại để nhìn thấy những ân huệ Thiên Chúa tuôn đổ tràn ngập trong mọi cảnh huống cuộc đời. Chặng dừng chân này, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa, chúng ta cũng không quên Hiền Mẫu Ma-ri-a, Đấng đã đồng hành với mọi người suốt hành trình làm người, làm con Chúa…”

Với ý tưởng nhìn lại để bước tới, đêm nhạc đã được thiết kế với hai phần rõ rệt. Ở phần một, Cha chánh xứ đã cùng với các nghệ sĩ dẫn thính giả trở về với câu truyện của người đàn bà tội lỗi trong chương 8 của Tin mừng Gio-an.

Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 2). Thế nhưng, con người đã sa ngã vì những cám dỗ của con rắn xưa, hay vì thói kiêu căng hợm mình của sự tự do thái quá. Với dụng ý riêng của mình, Cha chủ nhiệm đã mượn hình ảnh của người đàn bà tội lỗi trong Tin mừng để thể hiện thói tật này của loài người. Tội lỗi của con người không làm cho tình yêu dành cho nhân loại bị giảm bớt; ngược lại, nhân loại càng tội lỗi, tình yêu Thiên Chúa càng đổ tràn trên nhân loại. Tình yêu này thể hiện qua việc Chuá Giêsu tha thứ người phụ nữa ngoại tình.

Càng nhìn lại quá khứ tội lỗi càng thấy tình thương của Chúa mêng mang. Trong đêm nay, các nghệ sỹ đã cho cả nhà thờ phải lắng đọng tâm hồn với các nhạc phẩm của nhạc sĩ Song Ngọc “chuyện người đàn bà 2000 năm trước” hay mỗi người học được tâm tình thân thưa với Chúa Giêsu qua nhạc phẩm “đi tìm người yêu thuỷ chung” ý thơ của thánh nữ Têrêsa… Đặc biệt, kết thúc phần I, cả nhà thờ được dịp thưởng thức nhạc phẩm “mối tình đầu” là một trích đoạn trong trường ca “Truyện Kiều” của nhạc sĩ Vũ Đình Ân. Với nhạc kịch này, tác giả muốn gửi gắm 1 tâm sự riêng mình cho tất cả mọi người đang hiện diện. Tâm sự này được rút ra từ ý nghĩa Kinh thánh Sáng thế chương 2. Mối tình đầu giữa Thiên Chúa luôn là mối tình đẹp và cao quý mà con người đánh mất bởi sự kiêu ngạo của mình. Thế nhưng, Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi, Người luôn lên đường để tìm lại và yêu thương.

Anh tìm em, em tìm ai?

Để khi đôi tiếng thở dài hoà chung

Gần nhau mà chẳng yêu cùng

Đơn phương anh cứ thủy chung một mình

Trái tim anh vẫn để dành

Cho em - người vốn không tình với anh

Trích đoạn được dàn dựng cộng phu với hơn 150 ca viên, lĩnh xướng là nam danh ca Nhất Sinh và nữ nghệ sỹ Phương Dung. Đồng diễn là dàn múa minh họa và dàn nhạc dân tộc của nhạc viện thành phố.

… Hướng tới (Phần II)

Tuy nhân loại sa ngã, tuy Thiên Chúa sai thần sứ thẳng tay xua đuổi nguyên tổ ra khỏi vườn địa đàng, tưởng chừng như từ đây mối tình ban đâu đẹp đe mãi mãi bị phôi phai. Thế nhưng từ đấy, Thiên Chúa mở ra cho nhân loại một lời hứa. Một Người Nữ và hậu duệ Bà sẽ đập tan đầu con rắn là ma quỷ, mở một lối về, đưa nhân loại vào tình yêu ban sơ của Thiên Chúa (St 3, 15-20). Điều này mở ra cho nhân loại niềm hi vọng. Từ đây con người lại có cơ hội để tiếp cận với Thiên Chúa.

Trong phần này, thính giả được hoà mình cùng Thần sứ của Thiên Chúa với lời chào “Ave Ma-ri-a” qua bài hát bất hủ của nhạc sỹ tài hoa Franz P. Schubert. Các ca sĩ lần lượt dẫn đưa thính giả vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, sống lại những thời khắc thánh thiêng của bài hát “lời nguyện Lavang” và “dưới áo Mẹ”…

Các ca sĩ lần này, phần lớn là những ca sĩ được đào tạo bài bản từ trường thanh nhạc. Họ là sinh viên như ca sĩ Quỳnh Anh, ca sĩ Thảo Trang…, số khác lại là các giáo sư như ca sĩ Triệu Yên, như ca sĩ Tạ Minh Tâm…, cũng có người xuất thân và thành danh từ nền nhạc quần chúng và nổi tiếng như Trung Đông… Các ca sĩ đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng cùng thể hiện một điều. Đó là trong đời sống tâm linh, không thể thiếu vắng hình bóng Mẹ hiền.

Với vẻ đẹp của Thiên Chúa, là nguồn hứng khởi cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình. Hình ảnh Mẹ Ma-ri-a cũng là điều không thể thiếu cho những ai phục vụ nghệ thuật. Lần biểu diễn này, các nghệ sĩ đã đưa việc thể hiện cái đẹp tâm linh vào đời thường cách tinh tế.

Với khung cảnh được thiết kế hài hoà, phục vụ cho những công việc thánh la chuyện đương nhiên, bên cạnh đó, ngôi thánh đường này còn là sân diễn khá tốt cho những buổi cầu nguyện mang tính nghệ thuật như thế này. Lần này, có thể nói, gia đình Ba Chuông đang thực hiện điều đức giáo hoàng được kim đang khuyến khích. Đó là: làm thần học bằng nghệ thuật hay thần học về cái đẹp (Theology of beauty)

Đêm cầu nguyện thánh ca “cùng Eva mới” kết thúc vào lúc 21g30, thời điểm vừa phải với thời lượng công diễn vừa phải. Thính giả ra về vui vẻ hân hoan như vừa tham gia bữa tiệc ngon. No về mắt, vì dàn diễn viên đẹp, chuyên nghiệp, ánh sáng trang bị đúng chuẩn với. Đã về tai, dàn âm thanh của nhà thờ quá tuyệt với với sự hỗ trợ của các DJ chuyên nghiệp từ hãng Bose. Thoả mãn về tinh thần, người đi kẻ làm đều thoả mãn vì chương trình được tính toán sít sao, những phút giây ngây ngất cõi lòng, ru vào thiên thai của nghệ thuật khiến cho khán thính giả được đầy ắp cõi lòng khi họ muốn tìm về với tâm linh trong đêm cầu nguyện này. Cũng phải kể đến người dẫn chương trình duyên dáng, thi sĩ Lê Đình Bảng. Ông là cho khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác qua lời dẫn dí dỏm của mình.

Dấu ấn còn mãi

Đêm cầu nguyện “cùng Eva mới” khép lại. Đánh dấu thánh đường Ba Chuông được 3 năm tuổi đời. Một chặng dừng chân đã qua, mở ra một trang giấy mới. Ngôi thánh đường được đặt dưới sự bảo trợ của Trinh Nữ Mân Côi. Đêm nay, kỷ niệm 3 năm cung hiến, một lần nữa cả cộng đoàn cùng chung tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và Hiền Mẫu Ma-ri-a. Tạ ơn những phép lạ Thiên Chúa đã làm qua những công việc bình thường có khi là tầm thường. Thiên Chúa vẽ những đường thẳng qua các nét cong, Ngài có cách riêng để thực hiện chương trình của mình. Phần con người, chỉ xin cộng tác trong tinh thần khiêm nhu. Chính nét chân chất thường tình, “ơn cứu độ nơi Ngừơi chan chứa” tuổn đổ xuống cho muôn người, cho những ai trong đời sống thường ngày luôn kết hợp với Chúa.

Giáo xứ lại tiếp tục cùng với Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a dấn bước trên hành trình nhân thế. Có Chúa cùng đi, và Mẹ Ma-ri-a đồng hành chúng ta mong đợi ngày mai tươi sáng mãi.

Trần Bình

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

THÁNH GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ, NIỀM VINH DỰ CỦA CHÚNG TA

Lễ Suy tôn Thánh giá, ta lại có cơ hội để nhìn lại và chợt nhận ra rằng ta đã gắn bó quá sâu đậm với Thánh giá Đức Giêsu Kitô. Ngày lãnh Bí tích Rửa tội. Linh mục ghi dấu Thánh giá trên trán và mời gọi người đỡ đầu ghi dấu Thánh giá trên trán của ta. Ngày lãnh Bí tích Thêm sức, Đức Giám mục xức dầu ghi dấu ấn tín trên trán ta cũng bằng dấu Thánh giá. Ngày ta cử hành Bí tích Hôn phối, ta cũng trao cho ban đời của mình dấu Thánh giá “để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành”. Lúc chết, trên phần mộ của ta cũng có dấu ấn của Thánh giá. Thí dụ : 14. 09.2008 có nghĩa là ông A chết ngày 14.9.2008. Vậy là cả cuộc đời của ta từ lúc Rửa tội cho đến lúc nằm yên trong phần mộ đều có dấu ấn của Thánh giá.

 

Hai thanh gỗ đặt nằm chéo nhau được gọi là Thập giá. Thập giá, biểu tượng của Kitô giáo, xuất phát từ cuộc khổ nạn chịu đóng đinh của Chúa Giêsu, được công đồng Êphêsô 431 chấp nhận.

 

Thập giá, dưới con mắt của người Do Thái là sự ô nhục và là sự điên rồ đối với người Hy Lạp (1 Cr 1, 23). Còn đối với người Kitô giáo, Thập giá không còn là Thập giá của sự chết chóc mà đã trở thành Thánh giá sống động để “chúng ta đến thờ lạy”.

 

I.                   Thần học Kitô giáo liên kết thập giá với tội lỗi & đền tội

 

Để làm nổi bật mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa “ Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mang mình vì bạn hữu”(Ga 15,13), thần học Kitô giáo thường liên kết Thập giá với tội lỗi và đền tội của Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa.

 

Kitô giáo vẫn hiểu rằng chiều dọc của Thập giá chỉ mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người và chiều ngang của Thập giá chỉ mối liên hệ giữa người với người. Trong tiếng La–tinh, Thập giá là Cruz, Crucis (giống cái) cả hai xuất phát từ động từ Cruciare, có nghĩa là ‘hành hạ”. Còn trong tiếng Hy Lạp, Thập giá là Stauros, thường để chỉ một cây cột để hành hình tử tội. Từ thuật ngữ Stauros, ta có thuật ngữ Staurologie : Thần học về thập giá.

 

Đề cập đến Thập giá là đề cập đến cái chết. Cái chết Thập giá của Đức Giêsu là một hình phạt nhục nhã và ghê gớm nhất mà người La Mã đã bắt chước người Ba Tư, để hành hình những kẻ phản loạn chống lại đế quốc. Dù Thập giá là một hình phạt nhục nhã và ghê gớm thì Phaolô vẫn xác tín rằng “khi ở với anh em tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá” (1Cr 2, 1-5) và ông “ không hãnh diện điều gì khác ngoài Thập giá Đức Giêsu”. Cái chết Thập giá của Đức Kitô là một cái chết vì tội lỗi chúng ta theo đúng như lời Thánh Kinh đã báo trước (1 Cr 15,3). Cái chết của Đức Giêsu là cái chết cứu độ, điều này đã được các bài giảng tiên khởi Keryma và được chính thánh Phaolô cũng như lời tiên báo của chính Đức Giêsu công bố.

 

Sau phục sinh, Đức Giêsu cũng giải thích Thánh Kinh như thế cho hai môn đệ Emmaus và cho các tông đồ. Người đã trách hai môn đệ “các con chẳng hiểu gì cả. Lòng trí các con thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? Rồi bắt đầu từ ông Môisen và tất cả các ngôn sứ. Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngưới trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).

 

Theo Giáo lý của Hội Thánh : “Ý định cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của “ Người Tôi tớ, Đấng Công Chính” ( Is 53,11), ý định này đã được báo trước trong Kinh Thánh như là mầu nhiệm cứu chuộc phổ quát. Thánh Phaolô tuyên xưng đức tin mà Ngài “đã lãnh nhận” (1Cr 15, 3): “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh (GLTC số 601). Cái chết cứu chuộc của Đức Giêsu ứng nghiệm lời tiên báo về Người Tôi Tớ đau khổ. Chính Đức Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc sống và cái chết của Người dưới ánh sáng của những lời nói về Người Tôi Tớ đau khổ.

 

Theo quan niệm của người Do Thái, mọi tội lỗi đều phải đền trả. Song, những người có tội đền bù thì  Thiên Chúa chẳng đoái hoài tới. Chính cái chết của người công chính, của “Người tôi tớ Thiên Chúa” mới làm Thiên Chúa nguôi cơn giận và nhìn đến những kẻ có tội. Trong quan niệm này thì cái chết Thập giá của Đức Giêsu như là việc nhận lãnh đau khổ thay thế cho loài người để ngăn lại cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Bởi thế, Công đồng Trentô dạy : “Nhờ cuộc khổ nạn trên thập giá, Đức Kitô đã lập công cho chúng ta được nên công chính” (Ds 1529), qua đó nêu rõ hy tế duy nhất của Đức Giêsu Kitô như  “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu”(Dt 5,9). Khi tôn kính Thánh giá, Hội Thánh cầu nguyện ca ngợi : “Ôi Thánh giá, nguồn cậy trông duy nhất của chúng con” ( GLTC  số 617).

 

Và như thế, Đức Giêsu Kitô giải thoát chúng ta khỏi án phạt trong cuộc phán xét chung thẩm. Cái chết và sự phục sinh của Người đem lại ơn công chính hóa cho chúng ta. Tư tưởng này được thánh Phaolô khai triển rất nhiều nơi, khi Ngài nói về niềm tin (Rm 4, 25) hay khi nói về việc giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. (1Cr 15, 3.17 ; Gl 1, 4).

 

II. Thập giá luôn là biểu tượng của ơn cứu độ.

 

Đối với Phaolô, ông “…không tìm thấy vinh quang ở đâu khác ngoài Thập giá của Đức Giêsu Kitô” (Gal 6, 14), và trọng tâm lời rao giảng của Phaolô là “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ…” ( 1Cr 1, 23-24). Nói cách khác, đối với Phaolô “rao giảng Đức Kitô cũng đồng nghĩa” với việc “rao giảng Đấng bị đóng đinh’, vì  cái chết và phục sinh của Đức Kitô là sự kiện trung tâm của ơn cứu độ.

 

Phaolô rao giảng cho dân thành Côrintô cũng như Galat về Đấng Chịu Đóng Đinh (1 Cr  2, 2; Gl 3, 1; 6 , 14). Không phải vì người Do Thái và người Hy Lạp không hiểu biết gì về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh, mà Phaolô đã biến lời rao giảng của mình thành  một  thứ khôn ngoan  của người đời ( 1 Cr 1, 1; Cl 1, 23). Chẳng qua là Phaolô muốn giúp người Do Thái vượt thắng chướng ngại “ô nhục” của Thập giá, để họ có thể đón nhận cái chết Thập giá của Đức Giêsu. Và giúp người Hy Lạp vượt thắng chướng ngại “điên rồ” của Thập giá, để họ có thể tìm thấy một sứ điệp cần phải đón nhận : cái chết của Đức Giêsu Kitô là để bước vào đời sống mới, vào cuộc sống phục sinh ( 1 Cr  15, 5 - 8). Điều Phaolô muốn chứng minh là “Sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người” (1Cr 1, 10 -13.17-2,16). Con người trao cho Thiên Chúa một Arbor Infelix (cây vô phúc) là hình phạt ghê tởm nhất, thì Thiên Chúa lại biến cây vô phúc thành một Arbor Felix (cây có phúc) và trao nó lại cho con người. Tiếp tục đào sâu ý nghĩa cứu độ từ Thập giá, Phaolô đã liệt kê ra những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại từ cuộc khổ hình Thập giá của Đức Kitô, sự toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ và ơn tha thứ tội lỗi.

 

Với cái chết của Đức Kitô được coi như một hy lễ, tác giả thư Do Thái còn phân tích thêm yếu tố “máu”  máu biểu hiệu của việc hiến mạng sống vì tình yêu ( Dt 9, 11-12) và “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”(Col 1, 19)

 

Trong lá thư gửi giáo đoàn Êphêsô thánh Phaolô tuyên dương Thập giá như phương tiện mang lại ơn giao hòa cho nhân loại : từ một đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt dân Do Thái và Hy Lạp, Thập giá đã được Đức Kitô biến thành nơi để hòa giải, để phá bỏ bức tường ngăn cách giữa dân Do thái và dân ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa (Ep 2, 15-16).

 

Như vậy, Thập giá đang là biểu tượng của oán thù, thì nay nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở thành nơi thi thố tình yêu và sự hòa giai giữa Thiên Chúa với con người, và hòa giải giữa con người với nhau. Thập giá không chỉ là biến cố kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng nó mang lại một giá trị vĩnh cửu.

 

III. Thập giá biểu trưng cho đau khổ trong đời sống

 

Dưới con mắt người thường thì Thập giá luôn là biểu trưng cho sự chết chóc. Trong khi đó, thần học Kitô giáo luôn liên kết Thập giá với tội lỗi và việc đền tội. Đồng thời, Thập giá cũng được coi là biểu trưng cho những đau khổ mà con người gánh lấy.

 

Sống trên đời dù muốn hay không, ta cũng phải đối mặt với nhiều thứ đau khổ bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn cua gia đình, thất nghiệp, con cái hư hỏng… những thứ này ta vẫn thường gọi một cách văn chương là ‘Thập giá đời”. Nhà Phật không có thuận ngữ Thập giá như Kitô giáo, nhưng lại có thuật ngữ “ bể khổ” . Nếu đã là thập giá đời hay bể khổ thì chẳng ai muốn và chẳng vừa ý ai. Song “Thập giá đời” , qua Thập giá của Đức Giêsu, đã được người Kitô hữu  biến thành Thánh giá mà họ tin rằng Chúa đã gởi đến để vác lấy mà theo chân Chúa.

 

Tuy nhiên, có người vác Thánh giá nặng hơn có người vác Thánh giá nhẹ hơn. Song, dưới cái nhìn của đức tin, ta lại thấy rằng Thiên Chúa trao Thánh giá cho ai thì Người đều lượng sức của họ. Ta không thể ngồi chờ đợi và mong Chúa đổi Thánh giá khác thoải mái dễ chịu hơn. Ta không thê cắt bớt Thánh giá ngắn lại để vác cho đỡ mệt, cũng không thể trông chờ người khác vác Thánh giá giúp vì ai cũng có sự khốn khó của riêng mình. Thiên Chúa chỉ bổ sức cho ta chứ không vác giúp ta, ta phải tự cứu mình rồi Thiên Chúa mới giúp ta.

 

Tuy nhiên ta không thể vác nổi Thánh giá nếu không có tình yêu. Không có tình yêu, mầu nhiệm Thánh giá của đời ta sẽ trở nên một sức ì năng nề và vô nghĩa. Chỉ trong tình yêu ta mới hiểu được mầu nhiệm  và ý nghĩa của Thập giá mà Thiên Chúa mời gọi ta vác lấy có giá trị biết dường nào. Người ta thường nói : “Trong tình yêu không có sự nặng nhọc, và nếu có sự nặng nhọc thì người ta vẫn yêu mến sự nặng nhọc đó”. Nếu có tình yêu ta sẽ thấy Thập giá Chúa êm ái và Thánh giá Chúa nhẹ nhàng hơn.

 

Để kết

 

Lễ suy tôn Thánh giá, ta được mời gọi để biến “ Thập giá đời” thành Thánh giá Đức Giêsu Kitô. Thực hiện được như vậy, chắc chắn ta sẽ tìm được niềm vui và sự bình an trong cuộc đời mình. Ước mong sao mỗi Kitô hữu đều nói được như thánh Phaolô “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thánh giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1, 23-14).

 

Lễ suy tôn Thánh giá 2008

 

Lm. Đa minh Đặng Quốc Hưng

Mục lục

GIẢI PHÁP NÀO THẤU TÌNH, ĐẠT LÝ CHO VỤ VIỆC THÁI HÀ?

Những tháng ngày căng thẳng thử thách lòng tin

Qua hơn 12 năm khiếu nại vì quyền lợi của cộng đồng giáo dân Thái Hà không được đáp ứng. Qua hơn 8 tháng giáo dân Thái Hà kiên trì cầu nguyện tại nơi khu đất mà họ chắc chắn vẫn là của họ, nhưng đang có nguy cơ bị bán chác chia nhau. Qua những giấy tờ, văn bản của TP Hà Nội để chứng minh rằng “không có cơ sở trả lại” khu đất này. Dù chính quyền đã dùng nhiều cách, vận dụng khá nhiều phương tiện, nhân lực và tiền của của nhân dân để giải quyết. Dù hệ thống truyền thông đã làm hết sức mình để biện hộ cho những động thái, ý muốn của nhà nước là không trả lại khu đất này bằng cách viện ra nhiều lý do, luật lệ và chứng cứ. Dù nhiều người đã được đưa vào nhà tạm giam, tạm giữ cũng như nhiều người đã bị nạn trong những vụ việc xảy ra với họ trên đường Thái Hà và khu đất mà họ gọi là “Linh địa” sau vụ xịt hơi cay.

Nhưng đến nay, người ta chỉ thấy được một kết quả: Sự việc ngày càng bế tắc và có nguy cơ ngày càng căng thẳng hơn.

Có phải chỉ vì các linh mục và giáo dân Thái Hà đã bất chấp pháp luật mà làm càn trong khi họ luôn yêu cầu Nhà nước, trước hết là các cơ quan công quyền Hà Nội phải thực thi pháp luật phải tuân thủ các nguyên tắc luật pháp. Có phải các giáo dân muốn ăn gió nằm sương cho thoải mái hơn những ngày chăn êm nệm ấm ở ngôi nhà thân yêu của mình? Có phải họ bị lừa bịp và kích động để đến khu đất đó làm những việc mà không phải là ý muốn của họ? Có phải họ quá rỗi rãi, không con cháu, không nghề nghiệp, đến đó để hòng có quyền lợi gì hay họ bị lừa bịp như báo chí đã loan tin?

Tôi nghĩ là không. Ai cũng có một gia đình, một mái ấm, và dĩ nhiên chẳng ai muốn đảo lộn cuộc sống của mình. Đó cũng là tâm lý chung của mọi người dân Việt Nam. Vì vậy, nhiều khi có những điều chướng tai, gai mắt mà người dân vẫn nhắm mắt bịt tai bỏ qua “cho nó lành”.

Vậy không phải ngẫu nhiên khi có những con người tám chín tháng trời ăn gió nằm sương, có thể bị đe dọa đến tính mạng, đến tài sản cũng như nhiều điều hệ lụy khác mà không được hưởng hoặc hứa hẹn được chút gì về vật chất nơi đây. Điều họ được hứa hẹn nhiều nhất và dễ thành hiện thực nhất là nhà tù và bạo lực, trấn áp.

Cũng không phải ngẫu nhiên, khi những người dân bị bắt vào nhà tạm giam,tạm giữ, như bắt quân trộm cướp mà những người dân đã chứng kiến lại tiếp tục công việc của họ, coi việc bị đe dọa, bắt bớ như một diễm phúc, một vinh hạnh cho mình.

Ở tất cả những hành động đó, có căn nguyên là NIỀM TIN. Phải chăng, ngoài chuyện đất đai, tài sản, đây còn là cuộc sự thách đố và thể hiện niềm tin?

Lòng tin quả là có sức mạnh khủng khiếp khi hướng dẫn mục đích hành động của con người. Cả cuộc chiến tranh vừa qua, cũng là kết quả của sức mạnh niềm tin vào một ngày mai tươi sáng khi nước nhà thống nhất độc lập, người dân được tự do, hạnh phúc, dân chủ, nhân quyền, công bằng xã hội được đảm bảo… theo những lời kêu gọi của đảng và nhà nước mà đất nước này đã làm nên một cuộc “chiến tranh thần thánh”. Ở đó, hàng triệu người đã chấp nhận bỏ mình với niềm tin và mong ước cho tương lai đất nước tốt đẹp hơn.

Thành phố đã làm gì? Giáo dân nghĩ gì? Kết quả hay hậu quả?

Về phía Thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng, luật pháp những tháng ngày qua cũng đã khá vất vả, căng thẳng mong tìm được cách giải quyết ổn thỏa để vụ việc không còn là một mối quan tâm quá lớn, để tập trung cho muôn vàn việc khác của một thủ đô đứng thứ 2 thế giới về diện tích mới được thành lập. Các quan chức lo vị trí ghế ngồi công tác, các cơ quan lo vị trí làm việc, các cán bộ lo chuyện đi làm xa gần, chuyện chuyển đổi cơ quan, nhân sự… thì vụ việc Thái Hà quả là không dễ chịu và không ai muốn kéo dài.

Nhưng sau gần một tháng huy động hết công suất làm việc của các cơ quan chức năng, thì kết quả hiện nay có như những ý muốn của nhà nước hay không? Việc này cần nghiêm túc xem xét và đánh giá. Để đánh giá những kết quả, sai lầm hay thành công của các cơ quan công quyền, chắc cần một thời gian để có cái nhìn khách quan.

Nhưng sự thực là cho đến nay, cả hai bên đã đẩy sự việc đến một tình trạng nguy hiểm và bế tắc không ai nghe ai. Thực tế chỉ nghe tiếng khóa loảng xoảng của nhà giam và những lời đe dọa cứng rắn từ nhà nước cũng như tiếng đáp lại đồng âm hiệp nhất của cộng đồng dân Chúa là chấp nhận mọi thử thách sẽ đến qua những lời cầu nguyện “Lạy Chúa, con đường nào Ngài đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường...” nghe mà cảm thấy xót xa trong một đất nước hòa bình độc lập.

Nguy hiểm lớn nhất là sự bền vững, ổn định lâu dài của xã hội, của đất nước Việt Nam đã chịu quá nhiều tai họa, đau thương sau một thời gian dài đã không được vun đắp, hàn gắn. Trái lại còn khoét sâu vào những điều mà nhân loại đang cố tránh, đó là sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết đất nước tạo nên sức mạnh.

Những ngày này, tinh thần giáo dân đang bị kích động mạnh bởi hệ thống truyền thông nhà nước đã phạm những sai lầm nghiêm trọng với quan niệm truyền thống từ thời chiến tranh lạnh: truyền thông một chiều và bóp méo sự thật. Có thể đó là do sự chỉ đạo, cũng có thể do những người lính xung kích hăng máu thiếu suy nghĩ mà không có sự lãnh đạo đúng đắn của người cầm quân. Nhưng hậu quả là nhãn tiền.


Hậu quả lâu dài của nó là gì, chưa thể tính đến và nói hết. Nhưng hậu quả trước mắt cho Thành phố Hà Nội vốn đã đông đúc là hàng vạn lượt người từ khắp muôn nơi, từ thành thị tới những vùng thôn quê bất chấp khó khăn về kinh tế, về ngăn cản, về khoảng cách đã nườm nượp đến Thái Hà để chứng tỏ tình liên đới và Hiệp thông.


Theo suy đoán của những người có kinh nghiệm, thì dòng người này sẽ không chỉ có thế. Nếu sự việc không được giải quyết nhanh chóng và hợp tình hợp lý, thì dòng người những ngày tháng tới là khó kiểm soát. Nhất là khi hầu hết các Giám mục đã về Thái Hà và Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã đến bày tỏ quan điểm của mình trong khi hệ thống quan chức và truyền thông đang muốn kết tội cả bản thân của vị Tổng giáo phận Hà Nội và đang đe dọa những biện pháp cứng rắn hơn. Nhất là khi những người đã đến được tận nơi chứng kiến những điều không như đài, báo nhà nước đã nói thì hệ thống truyền thông bằng miệng, bằng cách rỉ tai nhau sẽ phát huy tác dụng và có sức lan tỏa ghê gớm.

Có người cho rằng: Có thể Thành phố sẽ để cho các giáo dân, tu sĩ mỏi mệt với những người cầu nguyện vất vả nắng mưa và xa xôi, rồi sẽ đến ngày tự tan.


Xin thưa là không. Với những người Công giáo, họ coi sự vất vả, hi sinh của họ là niềm vui của sự hiến thân, thì những sự trông chờ đó là ảo tưởng. Khi những người dân về Thái Hà không như truyền thông nhà nước nói là bị lừa bịp, bị dụ dỗ, thì tinh thần họ càng hăng say hơn, vì ở đó, họ có dịp chia sẻ, họ có dịp tâm tình những điều mà không thể nói cùng ai trong cuộc sống. Có những người cả đời không thể dành ra một ngày để thăm họ hàng, con cháu, được đến Thủ đô là mơ ước, nhưng đây là dịp để họ tham quan và chứng tỏ niềm tin mến của mình.


Và điều này thì chắc nhiều quan chức sẽ ít khi ngờ là khi đến đó, họ coi đó là nhà mình và tài sản của nhà thờ là của nhà mình, vì vậy, dù từ đâu tới, họ vẫn sẵn sàng xả thân để bảo vệ. Nếu không tin điều này, mời đến Nhà thờ Thái Hà xem cách họ đi lại, ăn nói và giữ gìn trật tự vệ sinh thì hiểu. Những người dù gặp lần đầu, cũng nhìn nhau với ánh mắt trìu mến thân thương và dễ dàng chia sẻ. Thật sự, đó là một sức mạnh vô đối.


Đến nay, vụ việc đơn giản đã bị hình sự hóa, và có nguy cơ chính trị hóa khi báo chí cho rằng “có những thế lực đứng đằng sau vụ việc Thái Hà”. Người ta tự so sánh vụ việc này với những vụ việc khác nhau xảy ra muôn nơi vạn nẻo trên đất nước này để tự rút ra cho mình câu trả lời: Vì sao, sự việc đơn giản được nghiêm trọng hóa? Có phải vì đây là tài sản của tổ chức Công giáo nên nó như vậy hay không? Hay chỉ là cách giải quyết một vụ việc nhưng không đúng cách?


Người ta cũng hỏi tại sao trên các báo đài nhà nước, khi mà họ không thể hiểu được những điều đơn giản nhất của tôn giáo này như cầu nguyện và hành lễ, như giáo xứ và giáo phận mà các nhà truyền thông lại cứ phán bừa Lời Chúa, rằng Chúa muốn thế này, thế nọ, việc đưa ảnh tượng Chúa cần đến nơi nào… Những điều đó được coi là những lời châm biếm, sỉ nhục với người Công giáo.


Thậm chí, màn vu cáo những giáo dân đã “ném ảnh tượng xuống đất rồi rắc đất cát bẩn lên để quay phim..” đã tạo nên một tâm lý bất tín nơi họ. Những người làm công tác truyền thông bất chấp sự thật đã không biết điều này: Với người Công giáo thời kỳ bị bách hại, đã hàng vạn lượt người thà bị chém đầu mà không bao giờ bước qua hình Thập Giá được vẽ lên mặt đất, thì chớ có bày đặt những chuyện khủng khiếp như trên cho họ. Điều này đã thực sự tạo cho họ một cú sốc và tâm lý phản kháng mà khó có thể hóa giải, dù họ không nói ra.


Đó là một sai lầm khó tha thứ của thứ truyền thông bịa đặt. Đó cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho dòng người cứ chảy về Thái Hà không dứt, làm cho tinh thần giáo dân lên cao khi niềm tin vào truyền thông nhà nước xuống thấp trong họ.


Đây là một bài toán không dễ giải chút nào cho hệ thống các cơ quan công quyền, nếu họ vẫn cứ giải quyết theo cách “lối cũ ta về”.


Bởi vì con người khác với loài vật là có suy nghĩ, có tư duy. Vì vậy khi họ đã xác định là họ đúng, có chính nghĩa mà nhà nước không thể giải thích cho họ khác đi, thì có nghĩa là họ chấp nhận tất cả để bảo vệ công lý, nhất là khi giáo lý đã đòi buộc họ “Công lý cần nêu cao” và phải là ngôn sứ của sự thật và tình yêu thương.


Việc sử dụng sức mạnh của bạo lực, tìm cách đưa họ vào nhà tù, là cách làm dễ dàng nhất nhưng cũng thể hiện sự bạc nhược nhất của chính nghĩa, của công lý trong trường hợp này. Bởi họ là những người chân yếu, tay mềm, không một tấc sắt.


Nhưng điều đó làm cho niềm tin vào sự thật của họ được vun đắp ngày càng lớn và đẩy vụ việc đến chỗ bế tắc. Bởi với người Công giáo, có một quy luật mà qua bao nhiêu thời đại bị bách hại đã đúc kết: Sự bách hại làm một người mất đi, sẽ nảy sinh máu anh hùng tử đạo nơi nhiều những con người yếu mềm nhất. Vì vậy họ sẵn sàng chấp nhận: “Lạy Chúa, xin dò xét và thử thách con, tâm can này, xin đem thử lửa” (Thánh Vịnh - Chương 26 – 2).


Đó là những bí ẩn, hay còn gọi là những điều khó hiểu của người Công giáo mà những người lãnh đạo nên tìm hiểu.


Cách giải quyết nào cho thấu tình, đạt lý và nghiêm pháp luật?

Với những người giáo dân, việc bạo động là điều không bao giờ họ muốn. Hãy nhìn những buổi cầu nguyện của họ trong âm thầm, lặng lẽ và trật tự thì chúng ta có thể thấy điều này. Ngay cả khi bị bôi nhọ, bị trấn áp, bị nhục mạ mà họ vẫn cảm thấy vinh quang. Bởi họ không nhìn nhận vinh quang cho chính bản thân mình, họ không tìm kiếm điều đó ở thế gian. Tất cả được họ được gửi gắm vào nơi Thiên Chúa.


Nhưng, có phải là như thế thì có thể sử dụng vũ lực với họ? Điều này là một sai lầm hết sức nghiêm trọng trong cách hành xử. Nếu không tận diệt được tất cả người công giáo, thì chưa có một nhà nước, một thể chế nào có thể khuất phục họ được bằng cách đó. Thời Minh Mạng, Tự Đức và các triều đại phong kiến đã qua, với những cơn bách hại khốc liệt đã để lại cho Giáo hội Công giáo Việt Nam hàng trăm vị Thánh Tử đạo. Những thời đại đó đã tạo nên một linh địa La Vang được cả thế giới công nhận mỗi năm thu hút hàng triệu người hành hương. Chắc không một chế độ nào muốn để lại cho hậu thế những vị Thánh và những linh địa ghi dấu ấn tội ác như trên bằng cách ghi nên những trang sử “hào hùng” như thế.


Hãy xem, ngay trong chế độ hiện nay, có những nơi hơn 50 năm, nghĩa là hơn hai đời người sinh ra và lớn lên, không có linh mục, không có Thánh lễ, nhưng khi có cơ hội, thì đoàn chiên Chúa lại trở lại bên những đấng chăn. Đời sống tôn giáo bất tử đó nói lên điều gì? Đó là điều cần suy nghĩ bằng những bộ óc và cái nhìn khách quan nhất.


Vậy để giải quyết vụ việc Thái Hà, cần những điều kiện nào? Điều cần nhất, là hãy để sự việc về đúng bản chất của nó. Đừng nên nghiêm trọng hóa những vấn đề rồi nhiều khi tự mình đánh lừa cảm giác của mình, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.


Họ cũng là những công dân, thậm chí là những công dân tốt. Phải công nhận một điều là nơi có nhiều người công giáo thì tệ nạn xã hội, sự suy đồi đạo đức bị giới hạn đến mức tối thiểu. Vậy với những nhu cầu của họ là có thật, việc giáo dân bức xúc khi tài sản để phục vụ cộng đồng, tập thể được tư nhân hóa và có nguy cơ chia chác, bán kiếm lợi cho một nhóm người, sự phản ứng là điều không có gì chối cãi.


Thật ra, điều này đáng lẽ ra cần được khuyến khích, khi mà đảng và nhà nước đang hô hào chống tham nhũng triệt để.


Giáo dân đã phá hỏng một đoạn tường rào cũ, được xác định là giá trị gần 3,5 triệu đồng (tất nhiên, cần kiểm tra lại cách thẩm định này) khi họ cho rằng bức tường đó là xây dựng trái phép, đã bị khởi tố vì tội “phá hủy tài sản” và bị bắt giam hàng loạt như những người trộm cướp, một cách quyết liệt và nhanh chóng. Động tác đó có làm người dân khâm phục không với hệ thống công quyền và cán cân công lý hiện tại? Khi mà ngay cạnh đó, một loạt mấy ngôi nhà, không chỉ đập mất tường rào, mà còn chiếm đoạt cả một nửa đường đi chung, xây sâu vào đất phía trong nơi tranh chấp cả chục mét lại không thấy nhà nước khởi tố và bị bắt? Hay chỉ có giáo dân đập tường mới là vi phạm pháp luật, còn những quan chức kia, thì được pháp luật miễn trừ?


Vậy đâu rồi cái khẩu hiệu “Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”, đâu rồi cái khẩu hiệu “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”?


Ngoài ra, việc hàng loạt báo chí nhà nước đã ngày đêm vu cáo, xuyên tạc bẩn thỉu, bịa đặt ác ý không chỉ với người dân Thái Hà và hàng ngũ tu sĩ, mà còn là sự nhục mạ với cả một cộng đồng tôn giáo, được coi như không có chuyện gì xảy ra. Đặc biệt, báo chí Nhà nước đã phạm một sai lầm chết người là kích động hằn thù tôn giáo, vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc phá hoại tình đoàn kết dân tộc. Dù Thái Hà đã có đơn lên tận cấp cao nhất đã cả tháng trời qua, nhưng tiếng kêu của họ như đi vào cõi hư vô. Những tiếng sỉ nhục vẫn gào thét hàng ngày bên tai họ, vào tận cung Thánh của Nhà thờ. Sao không thấy ai xử lý dù luật lệ đã có đầy? Hay giáo dân và tu sĩ Thái Hà không có quyền công dân? Một chính quyền không coi trọng nhân dân như vậy, thì hỏi nó đang phục vụ ai? Trong khi chính những người dân đó, đang ngày đêm lao động để góp những đồng tiền của mình nuôi chính quyền hiện tại.


Trong khi đó một số ít tiếng nói cất lên từ chính lương tâm mình, từ chính những sự thật, sự công chính lại đang bị đe dọa xử lý, lại tù đày, bắt bớ? Vậy quyền của người dân đâu mất hết cả? Khi người dân muốn có tiếng nói của mình, họ biết nói vào đâu? Những người cầm quyền cao nhất có còn muốn nghe lời nói thật trong xã hội hay không? Hay họ chỉ muốn nghe những báo cáo nghe chỉ sướng cái tai mà sự thật chứa đựng quá ít ỏi?


Những điều đó, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ lại thêm một lần phơi bày toàn bộ sự thật về những gì mà cuộc sống của nhân dân Việt Nam đang có trước lương tâm mọi người và bạn bè năm châu. Khi đó, hậu quả cho đất nước sẽ không chỉ là những việc như hiện tại.


Những cách làm đó, đã đẩy sự việc đến mức căng thẳng không đáng có, mà lẽ ra mọi việc chỉ cần có thiện ý, có thể giải quyết trong đối thoại hòa bình thì đã xong từ lâu.


Với phương cách của người Công giáo, theo tinh thần “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục” sẽ là cách giải quyết êm đẹp nhất, thấu lý, đạt tình và nghiêm pháp luật. Chắc chắn một điều, không có một cá nhân, tổ chức, tôn giáo hoặc một nhà nước nào không có những sai lầm. Vấn đề là biết thành tâm nhìn nhận và sửa chữa những sai lầm đó ra sao mà thôi.


Đã đến lúc, nếu không nói là quá muộn, cả hai bên cần một thiện chí thực tâm.


Mỗi bên, hãy tự nhìn nhận lại chính mình. Phía Nhà thờ cần nhìn nhận lại một số việc nên và không nên, đừng để sự việc đi quá xa những gì mình có thể kiểm soát. Sự nhẫn nhục bấy lâu nay, là điều ai cũng hiểu, nhưng không vì thế mà mình để sự việc ngoài tầm tay. Nhất định không phục vụ một mục đích chính trị nào như đường hướng của Giáo hội và không để những phe phái chính trị có thể lợi dụng sự kiện này nếu không muốn đi đến chỗ sai lầm. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang hết sức khó khăn về kinh tế và giặc ngoài đang lăm le bờ cõi.


Phía nhà nước, cần nhất vẫn là một sự thiện chí trên tinh thần của sự thật và công lý để giải quyết vấn đề này. Không thể dùng những mưu mô hay bất cứ điều gì ngoài sự tôn trọng nhân dân, tôn trọng sự thật thì mới giải quyết được vụ việc êm đẹp.


Nhiều người cho rằng, nhà nước e ngại nhất là khi giải quyết xong vấn đề này, sẽ xảy ra những vấn đề khác tương tự, vì trong quá khứ, đã có nhiều nơi, nhiều chỗ như Thái Hà. Nhưng tôi không nghĩ vậy, khi cả hai bên đã có những hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thì mọi việc đều có thể dễ dàng thảo luận. Nhất là với người Công giáo, luôn lấy sự tha thứ là một điều bắt buộc và là một niềm vui, luôn lấy sự hi sinh làm lẽ sống và là hạnh phúc, thì sẽ không có những phức tạp như những lo ngại nói trên.

Tôn giáo nào, con người nào cũng cần một đất nước thanh bình, một dân tộc hùng cường và đoàn kết để tạo nên sức mạnh.

Hãy mạnh dạn tin ở nhân dân.


Để làm được điều đó, phải chăng cần những con người cụ thể trong bộ máy cầm quyền dám có những tư duy đột phá, dám có những hành động dũng cảm, đối mặt với sự thật để thể hiện là một người mà nhân dân có thể gửi gắm lòng tin nơi mình.


Với mỗi cá nhân trong cộng đồng Công giáo, là những công dân, cần chấp hành các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Là những giáo dân, cần có trách nhiệm và nghĩa vụ với Giáo hội, xây đắp nên một Giáo hội vững bền trên cơ sở Sự thật, Công lý và tình yêu thương.


Hà Nội, Ngày 13 tháng 9 năm 2008

 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Theo VietCtholic News

Mục lục

 

ĐAU KHỔ KHÔNG XẤU

Hôm nay là lễ Suy Tôn Thánh Giá, đây là một ngày lễ đặc biệt vì không phải năm nào chúng ta cũng mừng lễ này, mà chỉ khi nào ngày 14-9 rơi vào ngày Chúa Nhật thì Giáo Hội mới mừng kính một cách long trọng.

Tại sao Giáo Hội lại suy tôn Thập Giá Chúa Kitô?

Lý do dễ hiểu là vì Chúa Giêsu đã chết trên thập giá, đã đổ máu ra để rửa sạch tội lỗi của nhân loại, và nhờ đó nhân loại được cứu độ, được đi vào sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta Suy Tôn Thánh Giá hay là Suy Tôn Thập Giá Chúa Kitô.

Thời Chúa Giêsu, người ta coi thập giá là điều sỉ nhục, xấu xa, ghê tởm—cũng giống như ngày nay chúng ta coi máy chém hay ghế điện dành cho những tội nhân bị tử hình, đó là những gì ghê sợ, phải tránh né. Người Do Thái thời đó không thể nào chấp nhận được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, chỉ vì Chúa đã chết trên thập giá, chết như một kẻ tử tội, trong khi hình ảnh đấng cứu thế của người Do Thái phải là một người chiến thắng quân Rôma, phải giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ. Và vì vậy, họ không chấp nhận lời giảng dạy của Chúa Giêsu và tiếp tục một cuộc sống theo lề luật cũ, theo những hình thức bên ngoài, mà tâm hồn thì không thay đổi. Thánh Phaolô có viết thư cho giáo đoàn Côrintô như sau: "Với những ai đang sống sa đọa thì sứ điệp thập giá là một sự điên rồ, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa… Chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đức Kitô chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa" (1 Cor 1:18-24).

Nhiều người ngày nay cũng sợ thập giá, cũng coi thập giá là một điều không thể chấp nhận. Cũng có người tuy là Công Giáo nhưng trong nhà không treo thánh giá, mà chỉ có tượng Chúa hay tượng Đức Mẹ thôi. Có hỏi họ tại sao không treo thánh giá, thì họ cho biết là họ không muốn nhìn thấy sự đau khổ.

Không ai muốn đau khổ, nhưng cũng không ai tránh được đau khổ. Có người đang sống khỏe mạnh bỗng dưng hay nhức đầu chóng mặt, đi bác sĩ thì biết bị cao máu hoặc tim bị nghẽn vì cholesterol cao, do di truyền từ cha hay mẹ của mình. Có người lái xe rất cẩn thận, bỗng dưng bị đụng xe vì người say rượu lái xe, may mà không bị thương tật nhưng chiếc xe phải mất tiền sửa, tiền bảo hiểm rồi sẽ tăng.

Trong đời có muôn vàn đau khổ, dưới đủ loại hình thức. Có những đau khổ do chính mình tạo ra—thí dụ hút thuốc nhiều, uống rượu nhiều, ăn toàn đồ béo mà lại ít tập thể dục thì đương nhiên cơ thể sẽ hao mòn và một ngày nào đó, chúng ta phải đau khổ vì bệnh tật. Có những đau khổ do người khác, do chiến tranh hay do xã hội tạo nên. Có đau khổ thể xác, cũng có những đau khổ về tinh thần như đời sống hôn nhân không tốt đẹp, con cái hư hỏng, gia đình không êm ấm, hay đau khổ vì thất nghiệp, vì buôn bán thua lỗ, vì thất tình v.v.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ cho kỹ, sự đau khổ tự nó không xấu. Mà nhiều khi, sự đau khổ lại có ích vì nó giúp chúng ta trở về với Thiên Chúa, trở về với nếp sống phù hợp với Phúc Âm.

Nhiều người sống rất vô tư, ít để ý đến đời sống tinh thần, ít để ý đến việc xem lễ, hay xưng tội rước lễ, bỗng dưng một ngày nào đó, biết mình bị bệnh ung thư thì họ bắt đầu thay đổi đời sống, bắt đầu siêng năng đọc kinh hơn, siêng năng đi nhà thờ hơn, chuẩn bị cho cái chết. Cũng có người khi được êm ấm, hạnh phúc thì sống ích kỷ, không nghĩ đến người khác, nhưng sau khi hôn nhân đổ vỡ, hay gia đình gặp trở ngại thì mới thấy cần sự giúp đỡ của người khác, mới biết nhìn lại con người của mình để nhận ra đâu là những giá trị thật và sau đó họ sống vị tha hơn. Cũng có nhiều cha mẹ lo làm ăn quá độ đến quên cả việc giáo dục con cái, cho đến khi có đứa con bỏ nhà theo băng đảng, hút sách bị tù tội thì lúc đó họ mới nhìn ra bổn phận của mình, mới nghĩ lại những điều Chúa dạy.

Qua một vài thí dụ trên, chúng ta thấy đau khổ không phải là điều xấu xa phải tránh bằng mọi giá, nhưng tội lỗi là điều chúng ta phải tránh, vì tội lỗi là căn nguyên gây ra đau khổ. Thí dụ, trong 10 điều răn dạy chúng ta chớ tham lam, vì tham lam sinh ra sự chiếm đoạt, chiếm đoạt của cải hay vợ chồng của người khác và gây ra đau khổ cho người khác.

Khi bị đau khổ, sự đau khổ có thể khiến chúng ta trở nên cay đắng, hận đời, ghét Chúa và nhiều khi ghét cả chính mình để rồi đi đến sự tiêu diệt chính mình. Nhưng sự đau khổ cũng có thể giúp chúng ta trở nên tốt hơn, mạnh mẽ hơn, tất cả là tùy thuộc ở điểm chúng ta đặt niềm tin vào đâu.

Nếu chúng ta đặt niềm tin vào giá trị vật chất, vào của cải, vào hạnh phúc ở đời này, thì khi mất tiền, mất tình, mất hạnh phúc chúng ta sẽ đau khổ đến độ tuyệt vọng. Ở VN trong những năm ngay sau 1975, nhiều người giầu có đã tự tử khi cộng sản ra lệnh đổi tiền một cách hạn chế--chỉ sau một đêm, cả triệu bạc không khác gì tờ giấy vụn. Gần đây, khi kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, cũng có mấy người tự tử vì mất hàng triệu tiền chơi stock. Và chúng ta cũng nghe nhiều người như điên cuồng khi mất tiền bạc, mất của cải, mất tình yêu.

Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, sự đau khổ giúp chúng ta đến gần Chúa hơn, bởi vì sự đau khổ giúp chúng ta nhìn lại thực tế, nhìn lại thân phận của con người để nhận ra những giá trị đích thực của cuộc đời, và lúc đó chúng ta mới thấy rằng, trên đời này chẳng có gì là bền vững, ngay cả tình yêu vợ chồng.

Điều quan trọng là chúng ta phải sống thế nào để khi gặp đau khổ, chúng ta không trở nên cay đắng, hận đời, bỏ Chúa và tuyệt vọng, mà ngược lại sự đau khổ lại giúp chúng ta trở nên vững vàng, trưởng thành hơn trong đức tin.

Vào 6g sáng ngày 11-9 năm 2001, khi ông Jim Sands rời nhà lái xe đến sở làm ở lầu 103 của tòa nhà World Trade Center, thì vợ ông, bà Jennifer, 38 tuổi, cũng thức giấc và đọc kinh cầu nguyện—đó là lời cầu nguyện hàng ngày của bà: "Lạy Chúa, xin gìn giữ chồng con trên đường đến sở làm, và cũng xin đưa anh ấy về nhà bình an. Anh ấy là tất cả đời con, và con thương chồng con nhiều lắm. Xin Chúa gìn giữ anh ấy."

Nhưng sáng hôm đó, người chồng thân yêu của bà không bao giờ trở về nữa. Qua màn ảnh máy truyền hình, mắt bà nhạt nhòa nhìn thấy tòa tháp đôi World Trade Center sụp đổ và bà cũng khụy xuống vì đau khổ. Khi lấy lại được bình tĩnh, điều đầu tiên là bà tức giận đổ tội cho Chúa. Bà nói: "Tôi không tức giận bọn khủng bố. Mà tôi trút mọi sự giận dữ lên Chúa. Tôi từng cầu xin với Chúa, và Người luôn luôn nhận lời tôi. Có phải tôi không cầu nguyện sốt sắng đâu? Có phải tôi không nói rõ điều tôi xin đâu? Tôi giận điên lên được bởi vì tôi biết Thiên Chúa có thể ngăn chặn điều đó đừng để xảy ra, nhưng tại sao Ngài không làm!"

Trong suốt 6 tháng, sự đau khổ khiến bà trở nên cay đắng, hằn học, hận đời, bà không đọc kinh cầu nguyện, bà không đến nhà thờ dự lễ. Cho đến một ngày kia, vì không thể chịu nổi sự mất bình an trong tâm hồn, bà đến nhà thờ, quỳ cầu nguyện trước tượng thánh giá. Và nhìn lên tượng chịu nạn, bà thấy Chúa Giêsu, cũng là một người vô tội như 2,790 người đã thiệt mạng ở tòa tháp đôi World Trade Center.

Bà thấy cái chết của Chúa Giêsu thật vô lý. Tại sao Chúa phải chết cách đau khổ vậy? Đang khi suy nghĩ về cái chết của Chúa Giêsu, bà nhớ lại một câu Kinh Thánh mà bạn của bà đã gửi, câu đó của ngôn sứ Giêrêmia viết rằng: "Đức Chúa phán, Ta biết các kế hoạch mà Ta dự trù cho các ngươi, các kế hoạch cho sự thịnh vượng chứ không phải xấu xa, để các ngươi có một tương lai và một hy vọng" (Jer 29:11). Và rồi bà nhận ra rằng nếu Chúa Giêsu không chịu chết trên thập giá thì loài người không được cứu độ. Từ đó trở đi, bà dần dà tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bây giờ, mỗi sáng bà cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, xin hãy nhắc nhở cho con biết rằng, không có gì xảy ra trong ngày hôm nay mà Chúa và con không thể cùng nhau cáng đáng nổi. Con không còn xin cho những gì con muốn. Bây giờ con xin cho những gì Chúa muốn. Và nếu điều đó đưa đến sự đau khổ cho con, thì con xin sẵn sàng chịu đựng, bởi vì con đã từng sống trong hoả ngục trần gian."

Bà đã từng chịu đau khổ tới mức khi chồng chết, sự đau khổ đó được bà ví như hỏa ngục trần gian. Tuy nhiên, sự đau khổ không tiêu diệt được bà, mà ngược lại qua sự đau khổ bà đã trưởng thành hơn trong đức tin.

Thánh Phaolô viết: "Với những ai đaang sống sa đọa thì sứ điệp thập giá là một sự điên rồ, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa…"

Cầu mong sao từ giờ trở đi, bất cứ ai trong chúng ta có những đau khổ nào, dù gây ra bởi người khác vì hiểu lầm, vì vu khống, vì thủ đoạn, vì ghen ghét, vì ích kỷ, chúng ta hãy can đảm chịu đựng và dâng những đau khổ đó lên Thiên Chúa để như những hy sinh nhỏ bé đền bù cho lỗi lầm của chính chúng ta.

Pt Giuse Trần Văn Nhật

Mục lục

Dấu Thánh giá và cô Hoa hậu

 

Nhan sắc là do Chúa ban, tôn vinh nhan sắc chính là tôn vinh những công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

 

Buổi tôn vinh nhan sắc trong đêm chung kết 14/7 của Hoa hậu hoàn vũ 2008 ở  Nha Trang đã khép lại từ lâu, nhưng nhiều ấn tượng đẹp đẽ vẫn còn đọng lại.

 

Chiếc vương miện bằng vàng 18K được kết với 1000 viên đá quý trị giá 120.000 USD đã có chủ, đó là người đẹp Dayana Mendoza, 22 tuổi, quốc tịch Venezuela, một đất nước của những Hoa hậu, vì trước Dayana đã có 4 người đẹp đăng quang vào các năm 1979, 1981, 1986 và 1996.

Hoa hậu của đại diện chủ nhà Việt nam Nguyễn thuỳ Lâm đã được xếp hạng trong tốp 15, những người đẹp nhất thế giới. Đây quả là một thắng lợi lớn, vì lần đầu tiên có mặt ở một giải danh giá, lại chỉ có chưa tới nửa tháng để chuẩn bị, đang khi người ta phải có hàng năm trời để tập tành và rèn luyện các kỹ năng. Như thế, làm sao tránh được những lúng túng, cập rập. Chưa nói đến sự chênh lệch khá rõ về sắc vóc và hình thể, so với thí sinh các nước.

 

Đêm thi chung kết với 80 người đẹp. Quả thật mỗi người mỗi vẻ, nhưng chắc chắn không thể 10 phân vẹn mười, vì dù đang ngồi xem Hoa hậu hoàn vũ trình diễn, nhưng vẫn nghe có những tiếng chép miệng phê bình : “ Sao xấu thế mà cũng là Hoa hậu”. Nhưng đó chỉ là chép miệng cho vui vui, thế thôi, vì ai cũng biết cái Đẹp luôn là một cái gì rất tương đối, tuỳ cảm nhận mỗi người và cũng tuỳ theo từng nền văn hoá khác nhau. Và thực tế họ đang là những người đẹp nhất, xứng đáng nhất để đại diện cho đất nước của mình.

 

Với 80 người đẹp cùng với 80 truyền thống và 80 nền văn hoá khác nhau đã cùng tụ lại một điểm, để cùng giao lưu gặp gỡ và cũng là cùng tranh tài phân định ngôi vị thấp cao.

 

Một dịp như thế quả là hiếm, vì dễ tạo ra sự háo hức cùng với nhiều niềm vui. 

 

Lần đầu tiên, hình ảnh con người, đất nước và văn hoá Việt nam được quảng bá đến 174 nước và vùng miền thế giới. Quảng bá chỉ trong vòng 9 phút trên kênh truyền hình NBC, những hình ảnh ấy đã được chiếu xen kẽ và lập lại nhiều lần cho hơn 1 tỷ người xem. Chỉ có 9 phút thôi, nhưng đành phải tạm hài lòng vậy, vì đến lúc này, vẫn còn rất nhiều người không biết Việt nam ở chỗ nào trên trái đất.

Đăng quang của Hoa hậu Dayana được giới truyền thông ca ngợi là chiến thắng của nhan sắc và trí tuệ. Quả thật, trước đó cô đã bị mất điểm trong 2 vòng thi trang phục dạ hội và áo tắm. Nhiều người đi theo để ủng hộ cô đã tỏ ra bồn chồn lo âu, dù trước đó, cô luôn được đánh giá rất cao từ  phía khán giả và Ban tổ chức.

 

Và thật bất ngờ, cô đã có một sự bứt phá ngoạn mục trong phần thi ứng xử đầy thuyết phục. Vị Giám khảo khó tính đã hỏi cô :

 

“ Đàn ông hay phụ nữ có cuộc sống dễ dàng hơn. Và tại sao ?”.

Cô đã trả lời một cách thật hồn nhiên và đầy hình ảnh :

 

“ Thượng đế đã tạo ra chúng ta để chia sẻ những khó khăn, nên khó thể nói ai sống dễ hơn ai. Chỉ có những khác biệt mà thôi. Trước khó khăn, đàn ông thường đi đường thẳng, nhằm giải quyết nhanh nhất. Còn phụ nữ hay chọn đường vòng, rồi chia nhỏ những khó khăn ấy ra, và do vậy, có khi phụ nữ  lại là người tỏ ra thực tế hơn”.

 

Ngay lập tức, câu trả lời thông minh và sinh động ấy đã nhận được những tràng pháo tay đầy phấn khích và nồng nhiệt tán thưởng  của không chỉ Giám khảo, nhưng của toàn thể rất đông cử toạ trong khán phòng lúc ấy.

 

Câu trả lời đã giúp cô có một chiến thắng thật xứng đáng và đầy ấn tượng.

 

Nhưng ấn tượng đẹp nhất mà nhiều người còn giữ về cô Hoa hậu khả ái này, chính là Dấu Thánh giá cô đã làm trước khi Ban giám khảo công bố kết quả sau cùng. Trả lời phỏng vấn sau buổi tiệc mừng đăng quang, cô cho thấy một tư chất rất thông minh và đầy cá tính của mình .

 

- Cô có bất ngờ không, khi đoạt được danh hiệu Hoa hậu hoàn vũ ?

 

- Xúc động thì nhiều, nhưng bất ngờ thì không, vì chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc thi này hết sức chu đáo, và tôi luôn tin rằng, sẽ đạt được một điều gì đó với cuộc thi này. Điều gì đó có được, chính là nhờ những chuẩn bị chu đáo ấy.

 

- Cô đã có một sự tự tin thật hiếm hoi, nhưng mọi người đều thấy cô đã cầu nguyện…. (?!)

 

- Đúng ! tôi đã làm dấu Thánh giá cầu nguyện, vì quá xúc động và cũng vì chiến thắng đang đến quá gần. Tôi và cô bạn cùng cầu nguyện (lúc đó chỉ còn lại 2 người). Các bạn có biết chúng tôi đã cầu nguyện điều gì không ? Rồi cô cười rất hồn nhiên và nói 1 tràng tiếng Tây ban Nha để nói lên điều đã cầu nguyện ấy ( mà không tự dịch lại tiếng Anh, như  những câu trả lời trước.)

 

Nhân danh Cha và Con và Thánh thần.

 

Chỉ giản dị như thế, nhưng không phải ai làm dấu thánh cũng chỉ để cầu xin được chiến thắng một cách ích kỷ tội nghiệp, vì niềm vui chiến thắng của tôi lại chính là nỗi buồn thất bại của anh, nụ cười của tôi sẽ là nước mắt nơi người khác.

 

Song dấu thánh giá chính là sự phó thác sau khi đã làm hết sức, nhằm vượt qua bản thân để chiến thắng chính mình, còn chuyện được thua hoặc còn mất thì xin phó thác cho Thượng đế trên Trời cao..

 

Dấu Thánh giá là một tuyên xưng niềm tin qua một cử chỉ đơn sơ. Tuyên xưng ấy có thể công khai cả triệu triệu người nhìn thấy, nhưng cũng có thể âm thầm kín đáo chẳng ai hay, song chỉ cần Chúa biết đã là quá đủ. Tuyên xưng niềm tin là điều luôn cần, song cũng phải tuỳ nơi, tuỳ người và tuỳ vào hoàn cảnh nữa.

 

Dấu thánh giá cũng chính là sức mạnh, một sức mạnh chỉ có từ sự hiệp thông đồng cảm .

               

Xin cám ơn nhiều lắm cô Hoa hậu Dayana, nhưng phải cám ơn nhiều nhất về Dấu thánh giá mà cô đã thể hiện trước hàng tỷ người thế giới.

 

Một dấu thánh giá đã làm nhiều người hãnh diện và chợt thấy lòng mình rất ấm.

Xuân Thái

Mục lục

 

BÀN TAY GIÊSU

“ Ai về sông nước miền Tây, gạo trắng nước trong, cây trái dư đầy…” Thực đâu ai ngờ được nơi vùng Tây đô sung túc nổi tiếng của miền Nam vẫn còn những dải đời bèo dạt lênh đênh cùng sông nước, bấp bênh cơm áo gạo tiền từng ngày, từng bữa. Cơn mưa đầu tháng tám đã đưa Đội Quân Aùo Xanh nhóm Phục Vụ chúng tôi và người linh mục lãng tử đến cùng bao mảnh đời lục bình long đong ấy.

 

Trời hôm đó mưa rả rích từ sáng đến chiều. 45 thành viên của Đội Quân Aùo Xanh nhóm Phục Vụ khởi hành từ thành phố lúc 4 giờ sáng với 400 phần quà của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà chất đầy chặt chuyến xe. Gần 11 giờ trưa, đến được đầu kênh, chúng tôi  đang băn khoăn không biết chuyển hàng xuống bằng cách nào dưới cơn mưa tầm tã này thì đã thấy cha sở và anh chị em trong xứ chờ sẵn để đưa chúng tôi đến điểm phát quà. Hàng được chuyển từ xe tải xuống ghe. “Lệnh trên” đưa xuống là bất cứ giá nào cũng phải giữ cho những gói quần áo, mì gói, đường, sách báo và hình Chúa Thương Xót được an toàn. “Người chấp nhận ướt, nhưng hàng thì không”! Thế là Nhóm Phục Vụ chịu đội mưa để gìn giữ phần quà cho bà con được khô ráo trên đoạn đường sông 7 Km trên ghe vào điểm phát quà thuộc xứ Phụng Tường, xã Phụng Hiệp. Khi ghe cập bến đỗ, hình ảnh làm chúng tôi cảm thấy những giọt nước mắt hoà lẫn nước mưa tràn trên mặt là bà con nam phụ lão ấu, không kể lương giáo, đứng chờ đông nghẹt trên bờ, bất kể trời vẫn đang mưa. Không hẹn mà hò, anh chị em cùng với sự giúp sức của những em thiếu nhi, mỗi người một tay nhanh chóng chuyển hàng vào trong nhà thờ. Đành phải phát quà trong nhà thờ thôi, vì ngoài trời đang mưa tầm tã. Nhà của Chúa thực sự trở thành nơi trú ẩn, nuôi dưỡng những con chiên gầy ốm. Làn mưa mát lạnh mà Chúa ban như đang tưới gội cõi lòng của những cánh chim áo xanh cùng với bà con nơi vùng sông nước nghèo khổ này. Vì đây là lúc tưng bừng rộn rã nhất trong chuyến công tác. Đoàn người xếp hàng, tay run run tấm phiếu, đợi đến phiên mình lên lãnh quà. Như những người chuyên nghiệp làm công tác xã hộâi, đội quân áo xanh đưa tay lau vội những giọt mưa pha lẫn mồ hôi vương trên trán, thoăn thoắt phân loại, sắp xếp bao quà. Đến lúc phát tặng, chúng tôi mới có dịp nhìn kỹ bà con nông dân ở đây. Sao mà họ khổ quá, cái cơ bần hằn trên khoé mắt, nỗi nhọc nhằn cáu nơi bàn tay. Trong khoảnh khắc hồ hởi trao và nhận ấy, vẫn xen lẫn chút bùi ngùi, xót cay khi tôi chạm vào bàn tay một ông lão thất thập cổ lai hy, một chị nông dân, một em nhỏ… Tôi chợt nhận ra mình đang được chạm vào bàn tay Giêsu, vì Lời Chúa đã nói: “Ai cho người bé mọn này dù một chén nước lã thôi, là trao ban cho chính Thầy…” 

 

Khi quà tặng vơi dần, niềm vui cũng theo đó dâng lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ mình vừa làm được việc đẹp lòng Thiên Chúa. Chợt, một cậu bé khoảng tám chín tuổi,  ốm yếu mặc chiếc áo đã sờn rách quá nửa bờ vai, chạy đến kéo áo tôi: “ Cô ơi, cô có thước và bảng không ạ? Con sắp vào năm học rồi.” Bất ngờ quá, khi đến đây chúng tôi chỉ chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, chứ dụng cụ học tập thì…. Tôi ngẩn người ra trước câu hỏi và ánh mắt trông đợi của thằng bé. Thực ra, ở Sài thành, chúng tôi đâu thiếu những thứ ấy, lắm khi lại dư dật, thừa mứa. Vậy mà trong phút giây này, khi tôi tưởng mình vừa làm được việc tốt đẹp thì lập tức lại trở nên bất lực trước sự khẩn nài của một cậu bé. Trong mưa phùn lất phất, thằng bé thất vọng ra về, từ chối phần mì gói tôi tặng bù vào. Chúa ơi, phải chăng Người đã gửi đến cậu bé này để nhắc nhở mỗi người chúng con luôn ý thức sự sẻ chia là không bao giờ đủ, phải luôn cho đi để nhận được tình Chúa đầy hơn.  

 

 “Thiên Chúa, Ngài ở đâu?” Đôi khi chúng tôi mất công chạy tìm những phép lạ, những dấu chỉ ở chốn nào xa xôi. Nhưng chính tại nơi đây, nơi vùng sông nước với những mảnh đời lênh đênh, chúng tôi bắt gặp Đức Kitô trong đôi mắt của những người anh chị em này, ánh mắt bừng lên ngàn tia hạnh phúc ấm áp truyền đến trái tim chúng tôi. Thiên Chúa chẳng ở đâu xa mà ngay tại những con người này, và ngay trong chính bản thân mỗi người nữa. Tại sao tôi không thử nắm lấy bàn tay của một người nghèo khổ, chia nửa cái bánh, trao một ly nước, tự lúc ấy Chúa Giêsu Đấng giầu Lòng Thương Xót nở nụ cười nơi kẻ cho và người nhận, vì “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật các con, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10, 42)

 

Khánh Vân

(Cảm nghiệm sau chuyến đi công tác bác ái Phụng Hiệp- Hậu Giang, tháng 08-2008)

Mục lục

 

NAPOLÉON TRỞ VỀ VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRƯỚC KHI CHẾT

Ngày 18-3-1811, Napoléon đệ nhất, Hoàng đế nước Pháp, triệu tập tại điện Tuileries ở thủ đô Paris, một Ủy Ban của hàng Giáo Phẩm Pháp gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Cha Jacques-André Émery, Bề Trên Tổng quyền Tu Hội Xuân Bích.

Mục đích của Napoléon là thuyết phục hàng giáo phẩm Pháp đứng về phía ông trong việc chỉ định các Giám Mục Pháp mà không cần sự đồng ý của Đức Thánh Cha.

Vừa bắt đầu cuộc họp, Napoléon thao thao lên tiếng công kích Đức Giáo Hoàng Pio VI thậm tệ. Ông vu khống là Đức Thánh Cha muốn giảm uy tín của ông khi Ngài không chấp thuận trao cho ông quyền chỉ định các Giám Mục tại Pháp. Napoléon giận dữ kết thúc bài diễn văn chửi bới Đức Thánh Cha:

- Khi khước từ như thế, Đức Thánh Cha vừa gây hoang mang nơi cộng đồng các tín hữu Công Giáo vừa nhằm tìm kiếm lợi lộc cho tiểu quốc Roma mà thôi!

Hoàng đế Napoléon I có tên thật là Napoleone di Buonaparte chào đời ngày 15-8-1769 tại Ajaccio trên đảo Corse. Thân sinh là ông Carlo Maria Buonaparte và thân mẫu là bà Maria Letizia Ramolino. Cả hai ông bà thuộc gia đình quý tộc giàu sang.

Cuộc đời Hoàng đế Napoléon I là bức tranh đầy dẫy mâu thuẫn và màu sắc đen đỏ lẫn lộn. Ông là biểu tượng của tham vọng quân sự và chính trị cuồng điên. Ông đi từ Tướng Lãnh đến Đệ Nhất Toàn Quyền rồi làm Hoàng Đế nước Pháp. Hoàng Đế nước Pháp không thôi chưa đủ, ông còn nuôi mộng làm bá chủ lục địa Âu Châu. Nhưng rồi khi ở mức độ huy hoàng lộng lẫy nhất của quyền uy ông bắt đầu thua trận tại các nước Tây-Ban-Nha, Nga và ở Waterloo nơi vương quốc Bỉ. Thất bại cuối cùng này đưa ông đến cảnh tù đày trên đảo Sainte-Hélène dưới quyền giám sát của người Anh. Ông qua đời tại đây ngày 5-5-1821, hưởng dương 52 tuổi.

Thế nhưng trong tư cách tín hữu Công Giáo, Napoléon lại kết thúc cuộc đời trong tâm tình đáng mơ ước nhất. Đó là tâm tình ăn năn thống hối, hoán cải trở về với Giáo Hội Công Giáo Roma, Giáo Hội mà trong thời đạt tột đỉnh danh vọng, ông nhất quyết đánh phá và triệt hạ cho bằng được!

Người ta kể lại rằng. Một hôm, một phóng viên người Pháp tìm đến đảo Sainte-Hélène để làm cuộc phỏng vấn sau cùng với vị cựu hoàng đế từng làm chấn động Âu Châu và từng vẫy vùng ngang dọc, coi trời bằng vung! Cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng câu hỏi cổ điển thông thường nhất:

- Nếu được quay lại đàng sau thì ngài nên tránh lầm lỗi nào?

Chàng phóng viên trẻ tuổi chờ đợi câu trả lời liên quan đến các biến cố quân sự lẫy lừng nhất, các cuộc tiến quân xâm lược các nước lân bang đưa đến thất trận ê chề, chấm dứt một thời vàng son của Nã-phá-luân đại đế!

Thế nhưng chàng phóng viên ngạc nhiên biết bao khi nghe Napoléon giải thích như sau.

Không phải lầm lẫn chính trị quân sự là lầm lẫn to tát và đáng quan tâm. Bởi vì, chỉ cần một chút thận trọng là người ta có thể tránh được các thất trận đó, dễ như chơi! Lầm lẫn vĩ đại nhất mà tôi lỗi phạm lại là điều không ai nghĩ tới. Đó là việc tôi muốn bằng mọi giá phải đánh phá và triệt hạ cho bằng được Giáo Hội Công Giáo Roma. Ngày ấy Giáo Hội Công Giáo đối với tôi giống như con rắn. Và muốn giết chết rắn, chỉ cần đập dập đầu rắn. (Câu nói ám chỉ việc Napoléon từng chỉ trích và xúc phạm nặng nề đến Đức Giáo Hoàng Pio VI (1775-1799) và Đức Giáo Hoàng Pio VII (1800-1823). Thế nhưng tôi đã lầm, lầm lẫn to lớn, lầm lẫn vĩ đại, lầm lẫn ê chề! Bởi vì, tôi càng tìm cách đánh phá Vị Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo thì Giáo Hội Công Giáo lại càng hồi sinh, hồi sinh mạnh ngay giữa hai bàn tay tôi, ngay trước mắt tôi! Khi tôi cầm quân đánh phá các nước lân bang, tôi biết rõ mình chỉ đánh phá các đội quân mỏng dòn của loài người! Nhưng khi tôi quyết liệt chống lại Giáo Hội Công Giáo Roma, đặc biệt các Vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo Roma thì tôi thâm tín bài học sâu xa này là:

- Tôi không phải chỉ chống lại loài người mà tôi còn cả gan dám chống lại THIÊN CHÚA!

Và đó là tất cả thảm trạng và thất bại ê chề nhất cuộc đời tôi.

Khi giải bày rõ ràng ý nghĩ của mình - vào lúc ấy - cựu hoàng đế Napoléon I đã thực sự hồi tâm thống hối. Ông thành tâm trở về với Giáo Hội Công-Giáo, duy-nhất, thánh-thiện và tông-truyền. Ông sốt sắng lãnh nhận 2 bí tích Giải Tội và Thánh Thể.

Ngày cựu hoàng đế Napoléon cảm động rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ vào lòng, sau bao năm tháng dài bê trễ, ông cảm động giải bày:

- Niềm vui tôi cảm nghiệm bên trong thật bao la. Giờ đây tôi mới thật sự hiểu tại sao, ngay cả vào những lúc đen tối nhất của cuộc đời và trong những năm tháng sống xa lìa Đức Chúa GIÊSU KITÔ, tôi không bao giờ quên rằng, ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi chính là ngày tôi rước lễ lần đầu!

... ”Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: Anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt THIÊN CHÚA. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn cả chim sẻ. Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA” (Luca 12,4-9).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, 31 Agosto 2008, n.34, trang 13)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mục lục

Chiếc lồng đèn Trung Thu

Hằng năm vào đầu mùa Xuân, ngày Mùng Một Tháng Giêng âm lịch, ngày mừng lễ Tết Nguyên Đán cho mọi người, theo phong tục tập quán bên Việtnam cùng bên Trung hoa.

Sang tiết mùa Thu, ngày 15. Tháng Tám Âm lịch, còn gọi là ngày Rằm Tháng Tám, có lễ Tết cho trẻ em thiếu nhi. Vào ngày này, ban đêm mặt Trăng chiếu sáng tròn đầy trên nền trời.

Vào ngày này lúc trời vừa tối, các em thiếu nhi tay cầm đèn có ngọn nến hay đèn điện cháy sáng đi rước vui chơi ca hát những bài hát thiếu nhi tuổi thơ. Và các em còn nhận được qùa bánh nữa.

Các em vui mừng hạnh phúc và cả người lớn cũng cảm thấy vui mừng hạnh phúc theo.

Chiếc lồng đèn các em cầm trong tay được làm bằng giấy mầu hay vật dụng khác. Nhưng đều có vẽ khắc hình các con thú vật như chim chóc, gà, thỏ, nai, cá và có cả hình em bé chạy nhảy vui đùa nữa. Những hình ảnh này nổi bật rõ nét khi ánh sáng ngọn nến, hay đèn điện trong lồng đèn bật chiếu sáng lên

Ánh sáng tỏa ra từ chiếc lồng đèn trên tay em bé phát tỏa ánh sáng vàng mờ nhạt. Ánh sáng đó không mạnh để nhìn thấy vật chung quanh gần đó. Nhưng ánh sáng đó vừa đủ nhận ra gương mặt, đôi mắt trong sáng ngây thơ vô tội của em bé cầm đèn.

Ánh sáng đó không phát tỏa hơi nóng làm khó chịu chói mắt, khi nhìn vào đèn. Nhưng ánh sáng đó mang đến không khí thi vị êm dịu.

Ánh sáng phát tỏa ra từ chiếc đèn lồng trung thu trên tay em bé gợi nhớ đến ánh sáng cây nến Rửa Tội. Cây nến Rửa tội cũng không to lớn. Cây nến này được đốt thắp lên từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu phục sinh: ánh sáng đức tin.

Làn nước Bí tích Rửa tội đem lại sức sống cho hạt giống hay cây rễ đức tin được gieo trồng trong tâm hồn con người.

Ánh sáng đức tin phát tỏa từ cây nến Rửa Tội, tuy nhỏ yếu nhạt, nhưng đủ soi chiếu cho tâm hồn nhận ra thế nào là sự tốt lành thánh thiện, thế nào là tình yêu bác ái niềm vui, thế nào đường tội lỗi sự dữ.

Antoine de Saint Exupe´ry đã thuật lại cuộc đối thọai giữa cậu Hoàng Tử nhỏ và chú Chó Sói về tình yêu: „ Cậu Hoàng tử nhỏ trở lại với chú Chó Sói: Adieu, chào tạm biệt Bạn!

Chú chó Sói nói lại: Adieu chào tạm biệt Bạn!. Nhưng tôi muốn nói với Bạn điều bí ẩn mầu nhiệm. Nó đơn giản thôi: Người ta nhìn thông thường bằng đôi con mắt, nhưng chỉ nhìn rõ ràng sáng tốt với trái tim tâm hồn! Vì những gì căn bản thiết yếu ẩn dấu không thể nhìn bằng đôi con mắt thường được.“

Ánh sáng chiếu tỏa từ trong chiếc lồng đèn Trung Thu làm nổi bật rõ nét những hình thù tô vẽ trên đèn.

Ánh sáng đức tin cây nến Rửa Tội, qua đời sống người đã nhận lãnh Bí tích Rửa tội của một tâm hồn ngay chính kính sợ Thiên Chúa, sống theo giới luật Chúa, luật Giáo Hội Chúa truyền dạy, cùng lòng kính trọng thiên nhiên và con người, cũng làm nổi bật rõ nét khuôn mặt Thiên Chúa tình yêu, nguồn sự sống đã khắc ghi trong tâm hồn cuộc sống của họ.

Hình ảnh các em thiếu nhi đi ca hát với chiếc đèn lồng Trung Thu trong tay là hình ảnh sống động nói lên sức sống phát triển đang đà vươn lên.

Hình ảnh đó cũng hình ảnh rao truyền sự sống cùng tình yêu Thiên Chúa giữa con người. Ánh sáng chiếc lồng đèn, sức sống vui tươi hạnh phúc, cùng tâm hồn hồn nhiên niềm tin của các em thiếu nhi vẽ nên hình ảnh đó.

Vì chỉ có ánh sáng mới có thể soi sáng; chỉ có Đức tin mới có thể truyền bá Đức tin; chỉ có sự sống mới có thể làm phát sinh sự sống.

Điều này luôn rất cần thiết cho đời sống gia đình, cho xã hội, cho Hội đoàn, cho Cộng đoàn Giáo Hội của Chúa ở trần gian.

Hình ảnh các em thiếu nhi đi rước đèn cũng là hình ảnh đi tìm kiếm niềm vui hạnh phúc. Các em thiếu nhi không đi tìm điều đó một mình. Nhưng cùng với mọi người, và cùng với mọi người chia sẻ niềm vui hạnh phúc đó.

Trong đời sống Đức tin cũng thế, như Chúa phán: ” Nước Trời ở giữa các con” ( Lc 17,21). Vì thế, đi tìm Nước Trời một mình sẽ không thấy; xây dựng Nước Trời một mình sẽ không thành công.

Phải chăng đây là cung cách sống chân thành của một nếp sống tương quan liên đới cùng xây dựng Nước Chúa trong lòng Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian?

Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Mục lục

 

 

CÂU CHUYỆN &  SUY TƯ

Chiếc đèn ngày ấy

Khi mùa Trung Thu đến, tôi thường nhớ về tuổi thơ với nhiều hoài niệm…

 

Mỗi năm, thường thì từ cuối rằm tháng bảy, tôi đã có một chiếc lồng đèn màu đỏ, xinh xắn. Khi thì lồng đèn con cá, lúc con chim… Anh tôi thì được nhận lồng đèn tàu thủy, máy bay… Mỗi tối, sau bữa cơm vội vàng, tôi xin ba tiền để mua đèn cầy rồi cùng vài đứa bạn cầm đèn đi khắp xóm, len lỏi trong những con hẻm.

 

Có bạn không có lồng đèn, chỉ cấm miếng sành nhỏ hay lon sữa bò để gắn đèn cầy. Có đứa được làm cho chiếc “xe đèn” bằng hai lon sữa bò, một lon dùng làm bánh xe, một gắn đèn cầy. Tất cả nối với một thanh tre nhỏ, dài. Xe tạo âm thanh vui tai nhờ cái lon phía trên quay vòng ánh sáng cũng quay theo, gây thích thú cho đám trẻ và còn là niềm tự hào của chủ nhân.

 

Ngày đó ít xe cộ, ít hàng quán chúng tôi thong thả đi hết con đường Phan Văn Trị (TP.HCM), đến trường học Thánh Linh rồi quay về, vừa nói chuyện rôm rả. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nhau từng nửa cây đèn cầy nhỏ nếu đứa nào không có tiền mua.

 

Có lần ông Hai hàng xóm “chế” cho tôi một cây đèn “không bao giờ tắt”, bằng cách gắn cục pin và một bóng đèn nhỏ. Nhưng tôi vẫn thích đốt đèn cầy hơn. Tôi thích cùng bạn bè ồ lên tiếc nuối mỗi khi đèn tắt và “chia lửa” để thắp sáng trở lại.

 

Tôi không nhớ mình không còn chơi đèn từ lúc nào. Mỗi mùa Trung thu, tôi lại bâng khuâng nhớ những chuỗi ngày vô tư, hạnh phúc bên bạn bè và những kỷ niệm ấu thơ.

 

Các em thiêú nhi bây giờ dường như ít có dịp chơi đèn cùng nhau. Mỗi lần nhìn những chiếc lồng đèn được thắp sáng bằng pin, bấm nút liền phát ra tiếng nhạc…tôi lại nhớ những chiếc lồng đèn ngày xưa.

 

Nguyễn Ngọc Hà

Theo báo Phụ nữ

Mục lục

 

                            

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

Bệnh loét dạ dày

Loét dạ dày được coi là căn bệnh của cuộc sống văn minh. Con người càng quay cuồng chạy đua với thời gian, công việc thì bệnh càng phát triển. Hiện cứ 10 người lại có 1 người bị đau dạ dày.


Đa số trường hợp loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) gây ra. Vi khuẩn này hiện diện trong 90% bệnh nhân bị loét tá tràng và trong 70% loét dạ dày. Khám phá này đã mang lại giải Nobel cho hai nhà bác học Australia Marshall và Warren.


Thế nào là loét dạ dày?


Dạ dày sử dụng dịch vị để phân mảnh thức ăn. Để bảo vệ thành dạ dày khỏi bị sự tấn công của acid clorhydric trong dịch vị, một màng nhày dày bao phủ bên trong dạ dày. Nhưng khi sự tái sinh các tế bào của màng nhày bị rối loạn, kích thích của dịch vị tạo ra những vết loét đường kính vài milimet. Loét tá tràng diễn ra ở ruột tá, điểm tiếp nối giữa dạ dày và ruột non, chiếm 90%. Loét nằm ở dạ dày có thể dẫn đến các biến chứng trầm trọng.


Nguyên nhân gây loét?


Từ lâu, người ta cho rằng nguồn gốc loét dạ dày là các yếu tố tâm thể. Nhưng ngày nay, người ta biết rằng 99% là do vi khuẩn HP. Sự khám phá này đã tạo nên một cuộc cách mạng trong diều trị loét dạ dày-tá tràng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn này.


Tuy nhiên, loét còn có thể do tác động của aspirine dùng thường xuyên hoặc các nhóm thuốc kháng viêm giảm đau không streoid khác. Đây là nhóm thuốc gây độc cho dạ dày và làm giảm cơ chế bảo vệ tự nhiên của màng nhày. Việc dùng các thuốc nhóm này để điều trị đau sẽ góp phần làm tăng tình trạng loét.


Các triệu chứng loét biểu hiện như thế nào?


Loét kéo theo những cơn đau như chuột rút, nóng bỏng, quặn thắt ở dạ dày. Cơn đau xuất hiện khoảng 4 giờ sau bữa ăn và có thể kéo dài tới bữa ăn kế tiếp. Bên cạnh đó còn có thể có các triệu chứng phối hợp như: buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa. Việc cung cấp thức ăn vào dạ dày thường giúp giảm đau. Các triệu chứng kéo dài vài ngày rồi trở nên đau theo định kỳ.


Khi nào đi bác sĩ?


Nếu cơn đau không thể giảm khi dùng các thuốc giảm đau bao tử không cần kê toa, nếu tái xuất hiện nhiều lần trong ngày đêm thì nên đi khám để được điều trị sớm và hiệu quả.


Đâu là những yếu tố làm nặng chứng loét dạ dày?


Có nhiều yếu tố làm tăng nặng vết loét dù không phải là nguyên gây ra loét, đó là nghiện thuốc lá, nghiện rượu, dùng nhiều cà phê, bị stress thường xuyên, dùng các thuốc giảm đau không steroid và các thuốc corticoid.


Cần từ bỏ các yếu tố trên một khi đã chẩn đoán bị loét. Cần theo một chế độ ăn uống cân bằng, sử dụng nhiều rau quả để cung cấp chất xơ (sợi), tránh các đồ chiên xào quá nhiều mỡ hoặc gia vị. Cần dành thời gian cho việc ăn uống; những bữa ăn vội vã sẽ làm cho dịch vị tiết ra nhiều gây đau cho vết loét.


Chẩn đoán loét dạ dày như thế nào?


Việc chẩn đoán cần đến kỹ thuật chụp fibroscopie dạ dày để thấy rõ vết loét và lấy sinh thiết các mảnh màng nhày. Bệnh nhân không thoải mái lắm với phương pháp này nên có thể trắc nghiệm gián tiếp bằng cách dùng test qua đường hô hấp.


Điều trị ra sao?


Cơ bản nhất vẫn là dùng thuốc tác dụng cùng lúc làm giảm tiết dịch vị và kháng sinh để tiêu diệt HP. Hai nhóm dược phẩm thường được sử dụng:


- Chống tăng tiết để ngăn chặn sự sản xuất acid chlorhydric và làm liền các tổn thương màng nhày: đó là chất ngăn chặn pompe proton thường được dùng từ 4-6 tuần.


- Các kháng sinh để tiệt trừ HP thường là amoxicillin và clarithromycin trong ít nhất là một tuần. Trong vài ngày, các triệu chứng biến mất nhưng không nên ngưng điều trị vì bệnh dễ tái phát cùng với chủng HP đã đề kháng với liều điều trị và kháng sinh cũ.


Khi nào cần đến phẫu thuật?


Với sự tiến bộ trong liệu pháp điều trị, chỉ định phẫu thuật ngày càng ít. Tuy nhiên, trong trường hợp xuất huyết dạ dày, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải khâu lại các mạch máu hoặc khâu lại vết loét.


Trong loét dạ dày, điều gây lo ngại là sự phát triển thành ung thư. Sau nhiều lần tái đi tái lại không được điều trị đúng mức hoặc trong trường hợp nghi ngờ tình trạng của vét loét, bác sĩ phẫu tuật có thể lấy đi một phần dạ dày nơi có vết loét rồi tùy tình hình, có thể đồng thời cắt dây thần kinh phế vị để giảm tình trạng tiết ra acid chlorhydric


Biến chứng gồm những gì?


Nếu không được điều trị, vết loét có thể phát triển các biến chứng như xuất huyết dạ dày hoặc thủng dạ dày. Xuất huyết có thể được nhận biết ở tình trạng nôn ra máu (màu đỏ hoặc đen) hoặc có máu đen trong phân. Tình trạng xuất huyết cho thấy mức trầm trọng các mạch máu bị tổn thương.


Thủng bao tử thường kèm theo đau dữ dội ở bụng, cần phải thăm khám khẩn cấp. Chúng thường kéo theo viêm màng bụng. Bệnh nhân cần được nhập viện và can thiệp bằng phẫu thuật. Có bệnh nhân không đau dữ dội nhưng vẫn bị xuất huyết.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống 

Mục lục

Con cái cần cha mẹ lắng nghe trẻ nhiều hơn nữa

 

Lắng nghe (listen) không đồng nghĩa với nghe trẻ nói (hear).

Người cha: ‘Bố đang nghe con nói đây'.

Con trai: ‘Nhưng bố không lắng nghe con nói'.

Người cha không cố gắng hiểu những điều mà thực sự con trai muốn nói. Để hiểu được những gì mà người khác nói, bạn cần thực sự lắng nghe. Lắng nghe bao gồm việc đặt ra các câu hỏi và kiểm tra lại những thông tin bạn được nghe - Ví dụ: "Con đang nói rằng cô giáo buồn về con đúng không" - với mục đích thực sự hiểu được quan điểm của người đang nói.

Lắng nghe không đồng nghĩa với đồng ý

Khi bạn lằng nghe trẻ, bạn có thể nhận thấy rằng bạn không bao giờ đồng ý với hành vi của trẻ. Nhưng bạn vẫn nên tiếp tục lắng nghe trẻ. Khi trẻ nói xong, bạn nói ngắn gọn về những điều mà trẻ vừa nói (không xen lẫn cảm xúc của bạn) - ví dụ: ‘Con thấy ở nhà bà buồn đúng không?

Sau khi bạn cho trẻ thấy rằng bạn thực sự lắng nghe trẻ, bạn cho trẻ thấy rằng bạn hiểu trẻ nhưng bạn vẫn không đồng ý với ý kiến của trẻ. Trẻ sẽ không thích điều đó; trẻ sẽ kết tội bạn không lắng nghe trẻ, nhưng  ít nhất bạn cũng đã cho trẻ thấy rằng bạn lắng nghe trẻ một cách lịch sự.

Lắng nghe tích cực giúp bạn nhìn thấy tính logic của vấn đề và quan điểm của người nói.

Chúng ta có hai cái tai và một cái miệng.

Chúng ta cần sử dụng tai và miệng phù hợp.

3 bước để lắng nghe tích cực

Những cách lắng nghe tích cực dưới đây được trích đoạn tự cuốn "Nói như thế nào để trẻ lắng nghe và lắng nghe trẻ nói như thế nào" ('How to Talk so Kids Will Listen And Listen So Kids Will Talk')

Khi lắng nghe trẻ, bạn nên gạt bỏ quan điểm, giải pháp, những lời chỉ trích, mệnh lệnh....của mình để lắng nghe trẻ nhiều hơn nữa. Bằng cách lắng nghe trẻ, bạn cho trẻ thấy rằng bạn tôn trọng cảm xúc và tạo điều kiện cho trẻ giãi bày vấn đề và có thể trẻ sẽ tìm ra giải pháp cho mình.

Lắng nghe tích cực bao gồm 3 bước

Chú ý tới trẻ. Bước đầu tiên là bạn cần chú ý tới trẻ. Ngưng bất kỳ việc gì bạn đang làm để hoàn toàn chú ý tới trẻ. Trong trường hợp bạn không thực sự lắng nghe trẻ được, bạn có thể nói với trẻ rằng hiện tại bạn không tập trung chú ý lắng nghe được nên trẻ có thể chờ trong khoảng thời gian ngắn. Sau khi hết khoảng thời gian đó bạn cần quay lại với trẻ như đã hứa.

Trả lời bằng những câu ngắn gọn.

Ví dụ như "ừ", "vâng", "Mmm..." và sau đó tiếp tục chờ trẻ nói tiếp. Trong khi nghe trẻ nói, bạn nên ngồi ngang tầm với trẻ. Bạn không nên vội vã đưa ra lời khuyên, giải pháp, phê phán hay thuyết giảng đạo đức. Những câu trả lời vô thưởng vô phạt của bạn sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Gọi tên cảm xúc. Những cảm xúc mà trẻ nói với bạn đôi khi trẻ không gọi tên được. Bạn có thể giúp trẻ diễn đạt cảm xúc của mình và gọi tên các cảm xúc đó.

Dưới đây là đoạn hội thoại ví dụ giữa cha/mẹ và con:

Con: Bài tập về nhà hôm nay đáng ghét quá.

Cha/mẹ: Mmm.....

Con: Con không bao giờ làm được bài này cả.

Cha/mẹ: Hình như con có vấn đề với bài tập đó.

Con: Vâng, con không biết phải làm thế nào.

Cha/mẹ: Hình như con đang cần trợ giúp?

Con: Uh.....(trẻ diễn đạt cảm xúc của mình)

Người cha/mẹ ở trên đã lắng nghe và cho trẻ cơ hội diễn đạt cảm xúc và nỗi lo của trẻ. Cha/mẹ đó không can thiệp bằng cách đảm bảo cho con như "Ồ, con không cần phải lo lắng về bài tập đó đâu" hoặc ra mệnh lệnh cho con "Con cố gắng tiếp tục làm đi!" hoặc không phủ nhận cảm xúc của trẻ "Bố/mẹ đảm bảo là con có thể kiểm soát được cảm xúc của mình". Bằng cách gọi tên rõ rang từng cảm xúc của trẻ, cha mẹ đã khuyến khích trẻ chia sẻ nỗi lo lắng của mình.

Theo web ww.lamchame.com

Mục lục

 

ĐỌC SÁCH

QUÀ TẶNG

Đó là một ngày hè ấm áp lúc Thượng đế đặt nó vào hai bàn tay chị. Chị run lên với niềm cảm xúc khi nhìn thấy nó có vẻ mỏng manh biết bao. Đây là món quà rất đặc biệt mà Thượng đế giao phó cho chị. Một món quà mà mai này sẽ thuộc về cuộc đời. Từ nay tới đó. Thượng đế sẽ dẫn dắt cho chị, và chị sẽ là người trông nom, giũ gìn nó. Chị nói rằng chị đã hiểu và trân trọng mang nó về nhà, quyết tâm sẽ không phụ lòng tin tưởng mà Thượng đế đã đặt vào tay chị.

 

Lúc đầu chị khó lòng để nó ra ngoài tầm mắt, nhằm che chở nó trước bất kỳ điều gì mà chị nhận thấy là có hại cho sự an lành của nó. Chị trông chừng nó với lòng thắc thỏm âu lo lúc nó phải lộ ra ngoài cái vỏ kén mà chị không thể che chắn nó hoài được. Nó cần biết cách tồn sinh trước các yếu tố nghiệt ngã để trở thành vững chắc. Thế là bằng sự chăm sóc dịu dàng chị cho nó thêm không gian để tăng trưởng, đủ để cho phép nó phát triển tự nhiên, không bó buộc.

 

Nhiều đêm ngả lưng xuống giường, cõi lòng chị tràn ngập những nỗi lo thiếu sót bổn phận. Chị phân vân không biết mình có đủ năng lực để gánh vác cái trách nhiệm quá lớn lao đã được trao cho  chăng.Khi ấy chị thường nghe trong âm thầm lặng lẽ có tiếng Thượng đế trấn an chị rằng Ngài biết chị đang cố gắng hết sức. Và rồi chị thường ngủ thiết đi một cách thư thái.

 

Càng lúc chị càng nhẹ lo hơn khi năm tháng trôi qua. Món quà ấy có mặt đã làm cuộc sống chị phong phú đến mức chị không còn nhớ trước khi có nó đời chị ra sao, và cũng chẳng tưởng tượng được nếu không có nó đời chị sẽ thế nào. Chị hầu như quên khuấy thỏa thuận của chị với Thượng đế.

 

Một ngày kia chị nhận ra món quà ấy đã biến đổi quá nhiều. Nó không còn cái vẻ mỏng manh dễ bị thương tổn, hư hỏng nữa. Bây giờ dường như nó đang tỏa ra sức mạnh và vững vàng, cơ hồ nó đang phát huy một nội lực.Tháng tháng tiếp nối, chị nhìn thấy nó càng lúc càng khoẻ mạnh cứng cáp hơn, và chị nhớ lại lời hứa của mình. Từ thâm tâm chị biết quãng thời gian chị được lưu giữ món quà sắp hết hạn rồi

 

Cái ngày không tránh khỏi ấy đã tới khi Thượng đế đến lấy lại món quà và mang nó tặng cho cuộc đời. Chị thấy buồn vô hạn, vì chị sẽ nhớ những khi nó thường xuyên có mặt trong đời chị. Với lòng biết ơn chân thành, chị cảm tạ Thượng đế đã cho chị đặc quyền trông nom món quà quý báu này trong ngần ấy năm qua. Chị đứng thẳng người lên hãnh diện, biết rằng quả thực nó là món quà rất đặc biệt. Là cái điểm tô bồi bổ thêm vẻ đẹp và tinh hoa của thế giới quanh nó.

 

Và người mẹ ấy đã để con mình bước vào cuộc đời.

 

Dũ Lan Lê Anh Dũng

Mục lục